Việc thiếu quy chuẩn về vận tải áp dụng toàn quốc khi có dịch bệnh khiến nhà quản lý lúng túng, doanh nghiệp phải xoay chóng mặt.
Điều này không chỉ gây đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hoá tiêu dùng mà nghiêm trọng hơn là tắc nghẽn chuỗi cung ứng vật tư cho sản xuất.
Sau bốn làn sóng COVID-19 với những đợt “bùng dịch” khó kiểm soát, thị trường vận tải hàng hóa luôn tái diễn cảnh “rối như canh hẹ” do loạn cách điều hành, mỗi nơi một phách.
Theo báo cáo của Tổ công tác phía Nam của Bộ NN&PTNT, chuỗi cung ứng nông sản, nguồn cây con giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị tắc nghẽn do các trạm kiểm soát COVID-19 tại các tỉnh bị giãn cách. Đặc biệt, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do lực lượng lái xe, bốc dỡ hàng hóa thiếu vì khó khăn trong việc đi lại, cần giấy xét nghiệm làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cho biết, mặc dù hàng hóa cung ứng đã được chuẩn bị tăng gấp 3 lần, dù vậy, tại một số thời điểm vẫn có tình trạng thiếu hàng cục bộ. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi là công cụ chính thì giá cả tăng 5- 10%, rau, củ, quả tươi sống tăng mạnh có nơi lên đến 50 - 60% do thiếu nguồn cung cục bộ bởi thời gian vận chuyển tăng, chi phí nhân công tăng cao liên tục từ kho đến cửa hàng, chi phí lấy giấy xét nghiệm chỉ có tác dụng trong 3 ngày.
Không khá khẩm hơn ngành nông nghiệp, công nghiệp chế tạo cũng rơi vào vòng xoáy tắc nghẽn, đình trệ sản xuất do sự thiếu hụt nguyên phụ liệu.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), đặc biệt từ đợt dịch thứ tư, tại TP HCM và nhiều doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp lân cận phải dừng sản xuất, chậm trễ trong giao nhận hàng… do việc vận tải hàng hóa cả nguyên liệu và sản phẩm đều bị ách tắc vì quy trình kiểm dịch.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, từ ngày 8/7/2021 đến nay, toàn bộ xe container và xe tải di chuyển từ TP.HCM đến Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên lâm vào tình trạng ách tắc tại các điểm chốt chặn vào tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Nguyên nhân vì tại các điểm này, yêu cầu tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp Realtime RT-PCR.
Lưu thông hàng hóa lại bị gián đoạn, nơi làm ra hàng hóa không đem đi tiêu thụ được, nơi cần không có để mua. Tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, xe hàng từ tỉnh này không được vào tỉnh khác, hoặc nếu lái xe muốn đi qua thì phải trình giấy xác nhận xét nghiệm COVID-19 có thời hạn ngắn ngủi. Mỗi địa phương lại có những yêu cầu khác nhau do địa phương tự quyết “căn cứ tình hình thực tế” mà vẫn còn thiếu một quy chuẩn chung khiến chuỗi cung ứng sản xuất đình trệ.
Theo ông Đặng Thế Phương, Giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Phương Lâm, ngay quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng chưa rõ là buộc lái xe dùng xét nghiệm PCR hay test nhanh, thời gian có hiệu lực cũng chưa thống nhất. Tổng cục Đường bộ cấp thẻ nhận diện cho xe chở hàng toàn quốc, nhưng Hải Phòng lại dán thêm thẻ màu đỏ, vàng, xanh để nhận diện theo nhóm nguy cơ riêng. Chuyện ách tắc lưu thông hàng hóa do mỗi nơi thực hiện một cách riêng.
Mặc dù sau khi có kiến nghị từ Bộ GTVT và Công Thương, Bộ Y tế đã có văn bản 5753 hướng dẫn xét nghiệm người vận chuyển hàng hoá trên cả nước. Theo đó, áp dụng cho toàn quốc, xe lưu thông nội tỉnh và giữa 19 tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16, giấy xét nghiệm theo phương pháp PCR hay test nhanh đều có giá trị trong 72 giờ… Tuy nhiên, hiện có một số địa phương chưa áp dụng hoặc quy định khác khiến Tổng cục Đường bộ đã phải tiếp tục có văn bản đề nghị các địa phương áp dụng thống nhất.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam:
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, nhiều lái xe vẫn chưa đăng ký khai báo theo mã QR Code "luồng xanh" vận tải khiến cho việc xét nghiệm gây nhiều khó khăn, ùn tắc tại trạm thu phí. Các sở GTVT cần tuyên truyền ngay cho các doanh nghiệp đăng ký mã QR Code "luồng xanh" vận tải để việc lưu thông thuận tiện, thông thoáng. Từ ngày 18/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cung cấp tài khoản và hướng dẫn sử dụng phần mềm đăng ký hoạt động trên "luồng xanh" cho xe ôtô vận tải hàng hoá.
Ông Lê Văn Quyết - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ:
Dù đã có chỉ thị của Thủ tướng cũng như hướng dẫn của Bộ GTVT về phân luồng hàng hóa nhưng nhiều địa phương vẫn có những chốt chặn làm khó người dân trong vận chuyển hàng hóa. Đó là các quy định như cho vận chuyển gà thịt nhưng không cho vận chuyển gà con, cho vận chuyển cám nhưng không cho vận chuyển phân gà sau khi bán. Các chốt chặn nói rằng gà con hay phân gà không phải là hàng thiết yếu thì không được vận chuyển.
Có thể bạn quan tâm
05:38, 23/07/2021
16:20, 08/07/2021
05:25, 03/02/2021
10:23, 20/07/2021
15:14, 17/07/2021
05:15, 06/07/2021