Là hãng kem lâu đời nhất tại Việt Nam với 66 năm tuổi đời, Thủy Tạ từng là biểu tượng và hãng kem chiếm thị phần chi phối tại thị trường Hà Nội.
Thương hiệu kem Thủy Tạ đã có từ năm 1954 tại nhà hàng Thủy Tạ (bờ Hồ Hoàn Kiếm - tiền thân của Công ty CP Thủy Tạ bây giờ) đã sản xuất kem ăn để cung cấp cho người tiêu dùng tại Hà Nội.
Trước đây, Thủy Tạ là một cửa hàng kem ở đầu phố Bà Triệu, gần bờ hồ Hoàn Kiếm. Có lẽ ít người biết kem Thủy Tạ còn có trước kem Tràng Tiền, người sáng tạo ra kem Thủy Tạ đã đúc kết từ kinh nghiệm lâu đời để cải tiến, hương vị kem sao cho ngày càng ngon hơn.
Hiện nay, Thủy Tạ vẫn là công ty sở hữu nhà hàng và địa điểm bán kem đẹp nhất thủ đô, với nhà hàng nằm ngay trên mặt Hồ Gươm cùng hệ thống phân phối tập trung tại các quận trung tâm thành phố.
Kết quả kinh doanh ảm đạm
Khi mới thành lập, do điều kiện kinh tế và mức thu nhập của người dân còn thấp, Thủy Tạ tập trung vào mảng kem giá rẻ với sản phẩm chính là kem đá và các hương vị truyến thống.
Đến những năm cuối thế kỷ 20, Thủy Tạ bắt đầu lên kế hoạch sản xuất kem theo hướng công nghiệp, với việc xây dựng nhà máy sản xuất một triệu lít mỗi năm trên dây chuyền của Italy.
Đây là tiền đề đưa Thủy Tạ trở thành một trong những doanh nghiệp giữ thị phần chi phối tại Hà Nội và khu vực phía bắc thời điểm đó.
Bên cạnh đó, Thủy Tạ còn sử hữu nhiều vị trí đắc địa như Nhà hàng cafe Thủy Tạ, và 3 nhà hàng đầu phố Lê Thái Tổ gồm Nhà hàng Đình Làng (ẩm thực truyền thống), Nhà hàng Mamarosa (ẩm thực Âu - Ý) và Nhà hàng Long Vân (đồ ăn nhanh, giải khát).
Sở hữu nhiều lợi thế kinh doanh ban đầu, tuy nhiên những năm gần đây kết quả kinh doanh của Thủy Tạ gần như không tăng trưởng, thậm chí còn đi xuống. Nhiều năm liền, doanh thu của hãng chỉ quanh ngưỡng 100 tỷ đồng, cùng mức lợi nhuận sau thuế dưới 10 tỷ.
Năm 2018, trong khi các đối thủ khác của Thủy Tạ là Tràng Tiền, Kido và Vinamilk đạt hàng trăm tỷ đồng doanh thu từ kem thì hãng chỉ kiếm được gần 46 tỷ đồng (chiếm 45% doanh thu hợp nhất), giảm nhẹ so với năm trước đó.
Lý do là hệ thống phân phối đa phần ở các cửa hàng nằm trên phố Lê Thái Tổ trực thuộc công ty, trong khi các điểm bán không phủ rộng nhiều như kem Tràng Tiền.
Niềm tự hào của Thủy Tạ, nhà máy kem công nghiệp công suất 1 triệu lít/năm sản xuất trên dây chuyền công nghệ Italia đã có tuổi đời 20 năm. Theo Ban điều hành công ty, hệ thống dây chuyền sản xuất kem và trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh đã được đầu tư từ lâu, chất lượng đã xuống cấp, thường xuyên hỏng hóc, sửa chữa thay thế nên ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của Công ty.
Ban điều hành công ty thừa nhận chất lượng kem hiện nay đi xuống vì độ lạnh không đảm bảo do hệ thống máy móc thiết bị quá cũ, chưa được đầu tư kịp thời vì thế sản phẩm kem không có khả năng cạnh tranh với các hãng, ảnh hưởng đến việc bán hàng và tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó chi phí bán hàng lớn, đặc biệt chi phí khấu hao về tủ đông, trong khi hiệu quả công tác quản lý, quản trị hệ thống các đại lý kem có tủ thấp. Sự cạnh tranh của các đối thủ có tiềm lực ngày càng lớn, với nhiều sản phẩm mới hấp dẫn phù hợp với người tiêu dùng.
Kem Thủy Tạ chỉ là một phần trong hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP Thủy Tạ, ngoài việc sản xuất và kinh doanh kem công nghiệp, Thủy Tạ còn kinh doanh nhà hàng, sản xuất Nước tinh khiết và kinh doanh vật tư ngành ảnh.
Một báo cáo về thị trường kem từng được VCSC công bố cho biết kem Thủy Tạ đang dần đánh mất vị thế khi hoạt động không có sự đột phá trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Các chuyên gia nghiên cứu tại đây cũng cho biết suốt nhiều năm họ chưa ghi nhận sự thay đổi đáng kể của Thủy Tạ về bao bì sản phẩm, hương vị cũng như chiến lược marketing.
Từ năm 2012 đến nay, thị phần của hãng kem lâu đời nhất Việt Nam đã giảm từ 10,9% xuống còn 9,7%.
Ngoài dây chuyển sản xuất cũ, hệ thống phân phối cũng là yếu điểm khiến Thủy Tạ không thể tăng trưởng.
Là hãng kem lâu đời nhất trên thị trường nhưng hiện tại Thủy Tạ mới có gần 260 điểm bán hàng và chỉ tập trung tại Hà Nội. Đây là lý do chính khiến Thủy Tạ đang tụt lại trong cuộc đua trên thị trường kem phía Bắc trước các đối thủ.
Loay hoay tìm hướng đi mới
Ban lãnh đạo Thủy Tạ cũng cho biết lý do công ty không thể đầu tư dây chuyền sản xuất kem theo kịp xu hướng bởi vốn điều lệ quá thấp, hiện chỉ đạt 30 tỷ đồng.
Công ty này từng có kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất kem mới với vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng hồi năm 2011, nhưng cuối cùng không thể triển khai vì thiếu tiền.
Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Thủy Tạ mới đạt chưa tới 53 tỷ đồng, lãi lũy kế để lại từ các năm trước chỉ hơn 6 tỷ. Rõ ràng con số 150 tỷ là con số không tưởng với Thủy Tạ.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 12/02/2020
03:20, 11/02/2020
04:22, 10/02/2020
03:01, 07/02/2020
04:47, 06/02/2020
03:50, 05/02/2020
09:27, 04/02/2020
05:38, 04/02/2020
05:40, 03/02/2020
11:16, 01/02/2020
05:07, 31/01/2020
11:07, 30/01/2020
08:44, 29/01/2020
Tuy nhiên, hàng loạt thay đổi gần đây đang mở ra triển vọng với Thủy Tạ có thể lấy lại vị thế của mình trên thị trường kem phía Bắc. Theo đó, từ đầu năm 2019, cơ cấu cổ đông của Thủy Tạ đã thay đổi rất mạnh.
Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 6/2019, cổ đông Thủy Tạ đã biểu quyết thông qua việc thay đổi thời gian nhiệm kì mới từ từ 2018 – 2022 thành 2019 – 2024, đồng thời thay đổi số lượng thành viên HĐQT từ 5 người xuống còn 3 người.
Theo đó, bà thành viên HĐQT nhiệm kì mới được bầu gồm ông Vũ Thanh Sơn (Tổng Giám đốc Hapro), bà Nguyễn Hồng Hải (Trưởng Ban Kiểm soát Hapro) và ông Phạm Hồng Thái (Tổng Giám đốc CTCP Intimex Việt Nam).
Cũng trong năm 2019, ba cổ đông lớn gồm Ngân hàng ACB và 2 cá nhân là Nguyễn Mạnh Hà và Nguyễn Minh Hương đã thoái toàn bộ vốn. Thay vào đó, một loạt nhóm cổ đông lớn mới xuất hiện tại Thủy Tạ gồm Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Thương Mại Đức Khang (19,7%); Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương (11,2%); cổ đông cá nhân Lã Xuân Hòa (10%).
Ngày cuối cùng của năm 2019, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đã bán ra 637.500 cổ phiếu TTJ giảm tỉ lệ sở hữu tại Thủy Tạ từ 51,24% xuống còn 30%.
Cơ cấu cổ đông của Thủy Tạ khi đó gồm Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro - Mã: HTM) sở hữu 30%, Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Đức Khang sở hữu 23,18% vốn điều lệ; Công ty TNHH Rồng vàng Thái Bình Dương (11,18%) và ông Lã Xuân Hòa (10%).
Cũng tại Đại hội, cổ đông Thủy Tạ đã thông qua kế hoạch tăng vốn gấp 10 lần lên 300 tỉ đồng nhằm phục vụ mục tiêu đầu tư nhà máy sản xuất kem hiện đại, mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu kem.
Với nguồn vốn lớn và các cổ đông tham vọng, Thủy Tạ sẽ không thiếu tiền để đầu tư và cải thiện dây chuyền sản xuất cũng như hệ thống phân phối trong các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi nhanh, khi đối thủ đang từng ngày đánh chiếm thị phần, phát triển mẫu mã, chủng loại và tăng cường marketing, khả năng bị đe dọa tại ngay thị trường trọng tâm Hà Nội của Thủy Tạ là hoàn toàn có thể.