Vay ngân hàng mua ô tô được cho là giải pháp tài chính phù hợp khi không có sẵn tiền. Tuy nhiên, chưa chắc đã đem lại cuộc sống tốt hơn như mong đợi.
Một khách hàng vay tiền mua ô tô tại ngân hàng thương mại cổ phần vừa chia sẻ câu chuyện của mình trên diễn đàn về phương tiện giao thông. Theo đó, tháng 8/2023, anh vay 400 triệu đồng, để mua ô tô với thời hạn 7 năm. Đến tháng 9/2024, dư nợ còn 342,856 triệu đồng, lãi suất 15%/năm. Với mức lãi suất này, anh phải trả 8,988 triệu đồng trong kỳ trả nợ ngày 25/9, bao gồm tiền gốc 4,762 triệu đồng và tiền lãi 4,226 triệu đồng. Với số tiền trả nợ ngân hàng lớn, chưa tính chi phí “nuôi” xe hàng tháng, đã trở thành gánh nặng đối với người vay tiền mua ô tô.
Hiện nay, lãi suất cho vay mua ô tô của các ngân hàng thường giao động từ 6-15%/năm. Với khách hàng có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc những thứ có giá mang thế chấp, sẽ được hưởng lãi suất thấp khoảng 6-8%; còn thế chấp bằng chính chiếc xe mình mua thì lãi suất cao hơn. Khi khách hàng dùng chính chiếc ô tô mình mua để thế chấp và trực tiếp sử dụng chiếc xe đó hàng ngày, dẫn đến hao mòn, hư hại hoặc gặp rủi ro, làm giảm giá trị, vì vậy phải chịu lãi suất cao hơn. Hiện lãi suất cho vay mua ô tô thế chấp bằng chính chiếc xe tại các ngân hàng dao động từ 12-15%/năm. Một số hãng xe có chính sách hỗ trợ lãi suất năm đầu thì khách hàng vẫn phải chịu 8%/năm, sang năm thứ 2 lãi suất sẽ tăng lên 12-15% và khách hàng phải chi trả hoàn toàn.
Không ít khách hàng cho biết, họ đã “ nuốt trái đắng” khi vay tiền ngân hàng mua ô tô. Một nam nhân viên văn phòng tại Hà Nội, sống độc thân kể: với thu nhập ổn định 20 triệu/tháng, tôi luôn mong muốn có được chiếc xe ô tô của riêng mình. Cuối năm 2021, được bố mẹ cho số 400 triệu đồng, tôi đã vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng, thời hạn 3 năm, để mua một chiếc xe mới, cộng cả chi phí lăn bánh là 600 triệu đồng.
Tôi quan niệm, có chiếc ô tô không chỉ để tiện đi lại mà còn giúp kết nối làm ăn. Tôi sẽ cố gắng để dành, khoảng 3 năm trả hết tiền vay ngân hàng. Nhưng thực tế, khi có xe tôi đã thấy mọi thứ không như mình nghĩ. Từ khi mua xe ô tô, tôi mới thấy phát sinh nhiều chi phí mà trước đó mình không tính được. Vay ngân hàng 200 triệu đồng, lãi suất cố định 8,6%/năm kéo dài 3 năm, đều đặn mỗi tháng tôi phải trả khoảng 4,5 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Đây là khoản tiền cố định bắt buộc phải trả hàng tháng. Ngoài ra, khi sở hữu một chiếc xe hơi đồng nghĩa với việc phải đóng các khoản chi phí kèm theo như: phí đường bộ, bảo hiểm, phí đăng kiểm. Đây là chi phí sử dụng xe ô tô bắt buộc phải đóng hàng năm. Cùng với đó là những chi phí khác như tiền gửi xe hàng tháng, tiền xăng xe, các loại phí cầu đường, chi phí bảo dưỡng, thay dầu và sửa chữa… các khoản này tiết kiệm nhất cũng tốn gần 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, tổng chi phí cho chiếc xe gần 10 triệu đồng, chiếm tới một nửa thu nhập hàng tháng. Vì vậy, tôi luôn đau đầu cân đối chi tiêu, nhưng vẫn thường xuyên bị thâm hụt tài chính.
Theo tính toán, vào thời điểm hiện nay nếu mua một chiếc xe cỡ nhỏ, cộng cả phí lăn bánh khoảng 450 triệu đồng, trả trước 100 triệu đồng và vay ngân hàng 350 triệu đồng trong 5 năm, riêng tiền trả ngân hàng khoảng 8 triệu đồng/tháng, cộng thêm chi phí cho chiếc xe gần 5 triệu đồng/tháng nữa, con số này đã lên tới 13 triệu đồng. Chưa tính tiền sinh hoạt, tiếp khách, hiếu hỉ… thì một người sống ở thành phố phải có thu nhập từ 25 triệu/tháng trở lên mới đảm bảo. Nếu không đủ khả năng trả nợ, để khoản vay rơi vào nợ xấu, lãi mẹ sẽ đẻ lãi con, sẽ đến lúc ô tô bị ngân hàng tịch thu và khoản vốn cộng lãi đã trả trước đó cũng không còn.
Sở hữu một chiếc ô tô là mong muốn của nhiều người, tuy nhiên vay ngân hàng mua ô tô chưa chắc đã đem lại cuộc sống tốt hơn như mong đợi.