Kocham đề xuất chính phủ cân nhắc những khó khăn của các doanh nghiệp trong thực tế để miễn thuế với phần nguyên liệu nhập khẩu bên ngoài cho gia công xuất khẩu.
Cho ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) kỳ cuối 2019, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, các lĩnh vực đầu tư của Hàn Quốc từ năm 1999 tại Việt Nam đã có sự hỗ trợ của một số chuyên gia từ lĩnh vực tài chính, kế toán, thuế để xây dựng được hệ thống giám sát đầu tư. Tuy nhiên một số vướng mắc đang hạn chế dòng đầu tư của Quốc gia này vào thị trường Việt Nam.
Theo đó, khẳng định với sự phát triển về công nghệ của các công ty nước ngoài có thể mang lại lợi ích lâu dài cho tương lai của Việt Nam, Đại diện Kocham kiến nghị Chính phủ Việt Nam cho phép đấu thầu rộng tãi với các dự án hạ tầng theo hình thức PPP.
“Ví dụ như cao tốc Bắc – Nam, việc chỉ cho phép các nhà đầu tư trong nước tham gia đấu thầu là sự thay đổi về mặt chính sách ảnh hưởng tới sự phát triển và hình ảnh của Việt Nam”, Đại diện Kocham nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chủ tịch Kocham cũng kiến nghị cần có phòng vệ thương mại mức hợp lý. Bởi, hiện đã có một số doanh nghiệp của Hàn Quốc có kiến nghị Chính phủ thực hiện điều tra, giám sát cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc nhấn mạnh tới việc hoàn thuế nhập khẩu linh kiện. Theo đó, khó khăn liên quan đến việc không được miễn thuế đối với các nguyên liệu được gia công bên ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu, Kocham cho biết đã gửi công văn (1911 / HHTMHQ) kiến nghị về “những vướng mắc về vấn đề không được miễn thuế đối với các nguyên liệu thô được gia công bên ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu” cho các cơ quan chức năng của Việt Nam như Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam vào ngày 26/9/2019.
“Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận được trả lời từ Tổng cục Hải quan Việt Nam vừa qua cho biết, trường hợp gia công ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu không đáp ứng đủ điều kiện để được miễn thuế căn cứ theo các quy định tại Khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 134/2016/ND-CP”, Đại diện Kocham cho biết.
Tuy nhiên, theo phía Kocham, xét trên khía cạnh thực tế của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu. Trong thực tiễn sản xuất nói chung, chỉ có một vài doanh nghiệp tự sản xuất 100% hàng xuất khẩu của họ, việc thuê ngoài một số công đoạn của họ cho các doanh nghiệp con hoặc doanh nghiệp khác để tăng hiệu quả sản xuất là điều đương nhiên.
Cùng với đó, nhìn từ quan điểm của doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm xuất khẩu hoặc các doanh nghiệp được thuê gia công một số công đoạn sản xuất chính là chủ thể của việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Do đó, mỗi quy trình gia công là một phần công việc cần thiết góp phần vào quy trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
09:22, 10/01/2020
09:19, 10/01/2020
18:19, 09/01/2020
“Vì vậy, hoàn toàn công bằng khi nghĩ rằng họ sẽ được miễn thuế nếu chắc chắn rằng nguyên liệu nhập khẩu đã được sử dụng để gia công sản phẩm xuất khẩu cuối cùng”, Đại diện Kocham nhấn mạnh.
Kocham cũng lo ngại, nếu duy trì cách giải thích như hiện tại về việc chỉ công nhận miễn thuế cho những phần tự sản xuất thì chắc chắn sẽ dẫn đến việc đánh thuế hồi tố.
Đại diện Kocham đặc biệt nhấn mạnhvề tính công bằng với doanh nghiệp gia công xuất khẩu. Theo quy định, các doanh nghiệp chế xuất được công nhận miễn thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu thô để gia công xuất khẩu ngay cả khi họ là gia công ngoài.
“Tuy nhiên, sẽ không hợp lý nếu không được miễn thuế đối với phần gia công bên ngoài của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu có đóng góp nhiều hơn và sản xuất giá trị gia tăng nhiều hơn cho sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam”, Kocham nhấn mạnh.
Thậm chí, có doanh nghiệp Hàn Quốc còn cho biết, các nhà máy Trung Quốc ở xung quanh nhà máy chúng tôi đáng lẽ phải nộp thuế nhập khẩu 20% khi nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nhưng cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ của Trung Quốc đã cấp Mã HS giả, để có thể nhận được ưu đãi thuế nhập khẩu trái phép khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Kocham nhấn mạnh điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhập khẩu đúng quy định. Ngoài ra, không chỉ có ngành dệt may, để xuất khẩu sang Châu Âu, Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong tương lai, cần sử dụng các nguyên phụ liệu của Việt Nam, tuy nhiên, do nguồn cung nguyên liệu ở Việt Nam còn chưa ổn định nên chúng tôi không nhận được ưu đãi triệt để theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Vì vậy, Kocham mong muốn chính phủ Việt Nam có đối sách để xử lý tình trạng này.