VCCI Đà Nẵng đồng hành vượt khó cùng cộng đồng doanh nghiệp

TUẤN VỸ thực hiện 12/02/2022 02:31

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra từ đại dịch COVID-19, VCCI Đà Nẵng đã lên kế hoạch vượt khó cùng cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

>>Đà Nẵng: Doanh nghiệp đã giữ chân người lao động như thế nào?

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng để tìm hiểu thêm các thông tin về hoạt động của đơn vị trong năm vừa qua.

Theo ông Quang, đại dịch COVID-19 đã mang đến những khó khăn, thách thức vô cùng khốc liệt đối với cộng đồng doanh nghiệp tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Suốt thời gian qua, VCCI Đà Nẵng đã nỗ lực không ngừng nhằm triển khai các phương án đồng bộ để doanh nghiệp tìm hướng đi mới hiệu quả, tích cực.

Ông

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng .

- Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Đà Nẵng cũng như trên cả nước gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế- xã hội. Trước tình hình đó, xin ông cho biết đơn vị đã vượt qua những khó khăn thách thức như thế nào?

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có TP  Đà Nẵng. Tác động của dịch bệnh, tạm ngừng hoạt động gần 40 ngày do phải thực hiện cách ly (vì có cán bộ nhiễm COVID-19) và thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian thành phố “phong tỏa cứng” đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt hoạt động của Chi nhánh.

Hoạt động của đơn vị phần lớn từ nguồn bên ngoài hệ thống VCCI, các chương trình, đề án lớn chủ yếu triển khai từ nguồn ngân sách địa phương. Trong khi nguồn thu ngân sách giảm nên các địa phương phải thực hiện giảm chi tương ứng, hoạt động của các doanh nghiệp đang rất khó khăn nên đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các hoạt động của Chi nhánh, đặc biệt là các hoạt động có thu.

Giám đốc VCCI Đà Nẵng gặp mặt doanh nghiệp Hàn Quốc.

Giám đốc VCCI Đà Nẵng gặp mặt doanh nghiệp Hàn Quốc. Thời gian qua, VCCI Đà Nẵng luôn nỗ lực tìm cách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do COVID-19 mang lại.

Trong bối cảnh khó khăn đó, sự năng động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Ban lãnh đạo và sự đoàn kết, nỗ lực, đồng lòng của toàn thể cán bộ nhân viên là những nhân tố quan trọng giúp Chi nhánh vượt qua khó khăn, duy trì ổn định được hoạt động. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy các chỉ tiêu không đạt như kế hoạch đề ra nhưng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã được đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Vai trò, vị thế của VCCI Đà Nẵng tiếp tục được nâng cao, được các chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, đối tác tin tưởng trong hợp tác. Quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước tiếp tục được củng cố và ngày càng mở rộng.

Trong bối cảnh các hoạt động sự kiện tập trung đông người bị hạn chế do dịch bệnh, Chi nhánh đã linh hoạt, tăng cường triển khai theo hình thức trực tuyến, đã mang lại những kết quả tích cực, duy trì được sự kết nối với các doanh nghiệp. Quy trình tổ chức các sự kiện tiếp tục được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp.

Trình độ, năng lực và thái độ làm việc của cán bộ nhân viên ngày càng được nâng cao theo hướng tích cưc. Các tổ chức đoàn thể luôn đồng hành, động viên cán bộ nhân viên thấu hiểu, chia sẻ với tổ chức để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này, đã tạo được động lực làm việc, sự gắn kết, đồng lòng và môi trường làm việc thân thiện.

Thông qua đó, uy tín và thương hiệu VCCI tiếp tục được định vị theo chiều hướng tích cực, mức độ tín nhiệm của chính quyền địa phương, các đối tác ngày càng tăng nên đã tạo thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động.

- Được biết, để duy trì tốt vai trò, chức năng của mình phía đơn vị đã nỗ lực không ngừng nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại Đà Nẵng cũng như tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Ông có thể chia sẻ thêm các thông tin về công tác hỗ trợ vừa qua?

Năm 2021, Chi nhánh đã ký kết và triển khai hợp đồng tư vấn DDCI cho 03 địa phương: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và hỗ trợ triển khai khảo sát cho tỉnh Đắk Nông. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (DDCI) tại các địa phương diễn ra chậm so với kế hoạch và kinh phí cũng bị cắt giảm nhiều. Đối với DDCI Đắk Lắk, tỉnh yêu cầu triển khai theo hình thức đấu thầu rộng rãi, cũng là thách thức đối với Chi nhánh vì đây là lần đầu tiên Chi nhánh tham gia theo hình thức này, quy trình, thủ tục thực hiện phức tạp hơn nhưng Chi nhánh đã nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu để tham gia dự thầu cũng như tư vấn thủ tục, quy trình đấu thầu cho đơn vị chủ trì thực hiện.

Hoạt động khảo sát được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh đang tái bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh nên đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ thực hiện, Chi nhánh đã hoàn thành báo cáo đúng yêu cầu và tiến độ đề ra.

Các phương án, đề xuất của VCCI Đà Nẵng luôn được lãnh đạo địa phương đánh giá cao.

Các phương án, đề xuất của VCCI Đà Nẵng luôn được lãnh đạo địa phương đánh giá cao.

- Vậy công tác xúc tiến thương mại đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua thế nào, thưa ông?

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư, hội nhập quốc tế, Chi nhánh đã tăng cường kết nối, trao đổi thông tin với Thương vụ Việt Nam tại các nước đối tác chiến lược để nắm bắt nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp các nước, cập nhật các sự kiện xúc tiến thương mại để thông tin đến doanh nghiệp trong khu vực, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các Thương vụ Việt Nam tại các nước để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu…

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức nước ngoài như Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng, Đại sứ quán Pakistan tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp thành phố Hwaseong, Hàn Quốc, Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) để hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin nhu cầu mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài, các sự kiện hội chợ, triển lãm quốc tế như Triển lãm ảo ngành Dệt may quốc tế 2021, Triển lãm hội chợ quốc tế Chiết Giang 2021...

Tổng hợp thông tin cập nhật về môi trường đầu tư của 11 tỉnh, thành khu vực miền Trung Tây Nguyên để giới thiệu trong các hoạt động gặp gỡ hoặc các sự kiện giới thiệu môi trường đầu tư.

Năm 2021, công tác tuyên truyền phổ biến về các FTA thế hệ mới, các Hiệp định của WTO được Chi nhánh tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện thông qua việc tổ chức 08 khóa tập huấn chuyên sâu về các cam kết liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp nắm và hiểu rõ các quy định để thực hiện, cũng như tận dụng hiệu quả các cơ hội, lợi ích từ thương mại quốc tế. Trong năm, Chi nhánh cũng đã thực hiện Báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP đến một số ngành sản xuất, dịch vụ có thế mạnh và tiềm năng của thành phố Đà Nẵng theo đề nghị của Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng.

Trong khuôn khổ hợp tác với Dự án tạo thuận lợi thương mại của USAID (TFP), Chi nhánh đã xúc tiến triển khai hoạt động khảo sát nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp khu vực miền Trung về thuận lợi hóa thương mại nói chung và Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA) nói riêng. Báo cáo đã đưa ra những đánh giá khách quan, đầy đủ về mức độ quan tâm và hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp khu vực Miền Trung đối với TFA và báo cáo đã đưa ra những khuyến nghị cụ thể về các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho các doanh nghiệp gắn với các nội dung và cam kết của Việt Nam trong Hiệp định TF.

Và trên cơ sở kết quả khảo sát, VCCI Đà Nẵng cũng đã đề xuất với Dự án 04 hoạt động sẽ phối hợp triển khai trong năm 2022 và Dự án cũng đã phê duyệt các hoạt động này. Ngoài ra, Chi nhánh còn tham gia Ban chỉ đạo tạo thuận lợi thương mại của thành phố Đà Nẵng với vai trò là phó Ban.

Về mảng tư vấn hội nhập, trong năm Chi nhánh đã hỗ trợ tư vấn cho nhiều doanh nghiệp khu vực miền Trung Tây Nguyên về các quy định, cam kết trong các FTA như quy tắc xuất xứ, TBT, SPS... hỗ trợ doanh nghiệp phân tích, khai thác dữ liệu các thị trường xuất khẩu tiềm năng, xác minh thông tin đối tác xuất khẩu thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước đặt tại Việt Nam...

Tiếp và làm việc với Đoàn Tổng Lãnh sự Anh tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn cán bộ Dự án Tạo thuận lợi tương mại và Đoàn Ủy ban Thương mại toàn cầu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hwaseong, Hàn Quốc, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng...

Trước những thành quả đã đạt được trong năm 2021, xin ông chia sẻ thêm về kế hoạch hoạt động năm 2022 của đơn vị là gì?

Trong năm 2022, Chi nhánh sẽ chú trọng công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, góp ý xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp cận để tư vấn triển khai lập báo cáo DDCI năm 2022 cho 04 địa phương. Tham gia góp ý xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, vận động chính trị, xây dựng liên kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam. Phát triển 50 hội viên mới. Cập nhật thông tin sâu về hội viên, đổi mới công tác quản trị, hỗ trợ chăm sóc hội viên thông qua việc khai thác sâu dữ liệu.

Tăng cường liên kết hợp tác các Hiệp hội doanh nghiệp khu vực, tiến tới thành lập Hội đồng các Hiệp hội DN khu vực miền Trung – Tây Nguyên nhằm thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tốt vai trò là cơ quan đại diện, là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương và các Hiệp hội sẽ là “cánh tay nối dài” của VCCI trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Kiện toàn hoạt động của Câu lạc bộ CEO tại Đà Nẵng, thành lập mới CLB CEO tại 02 địa phương lớn của khu vực, nơi tập trung số lượng doanh nghiệp nhiều là Bình Định và ĐakLak, qua đó mở rộng mạng lưới hội viên, thúc đẩy hợp tác, liên kết, kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển.

Phối hợp với các địa phương triển khai chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp và mới thành lập trong những năm gần đây. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp lý cho DN. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn cho các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hội nhập, nghiên cứu tìm hiểu thị trường, cũng như tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Nghiên cứu xuất bản một số ấn phẩm phục vụ công tác xúc tiến xuất nhập khẩu.

VCCI Đà Nẵng cũng phối hợp các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư.

Dự kiến chi nhánh sẽ cấp khoảng14.000 bộ hồ sơ chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp (bộ C/O). Kiểm tra tình hình sản xuất thực tế tại 20 doanh nghiệp đang đề nghị cấp C/O tại Chi nhánh.

Tiếp tục công tác kiện toàn tổ chức, tăng cường ứng dụng CNTT, số hóa để nâng cao tính chuyên nghiệp và năng lực hoạt động của đơn vị. Nghiên cứu các giải pháp mới, phù hợp nhằm nâng cao năng lực hoạt động, khả năng thích ứng của đơn vị trong bối cảnh mới.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Đà Nẵng: Doanh nghiệp đã giữ chân người lao động như thế nào?

    Đà Nẵng: Doanh nghiệp đã giữ chân người lao động như thế nào?

    10:24, 08/02/2022

  • Được mùa ruốc biển, ngư dân Đà Nẵng thu tiền triệu mỗi ngày

    Được mùa ruốc biển, ngư dân Đà Nẵng thu tiền triệu mỗi ngày

    14:18, 10/02/2022

  • Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

    Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

    03:41, 04/02/2022

  • Doanh nghiệp xuất nhập khẩu

    Doanh nghiệp xuất nhập khẩu "gian nan" vì chi phí vận tải biển

    08:24, 08/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VCCI Đà Nẵng đồng hành vượt khó cùng cộng đồng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO