Năm 2023 đã ghi nhận sự nỗ lực của VCCI trong việc tham gia hỗ trợ các địa phương hoàn thiện việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trở thành một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đổi mới hoạt động, tạo giá trị mới và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở nhiều tỉnh thành được hình thành sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành (2016) Đề án về xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đến năm 2025. Hiện nay, các vùng miền đã xuất hiện những điểm sáng về phát triển hệ sinh thái như Hà Nội, Hải Phòng (miền Bắc); Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam (miền Trung – Tây Nguyên); TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ (miền Nam), góp phần vào sự hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất về hệ sinh thái khởi nghiệp trong thập kỷ qua.
Cùng với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, nguồn nhân lực hỗ trợ khởi nghiệp (chuyên gia khởi nghiệp, cố vấn/huấn luyện viên khởi nghiệp, doanh nhân thành công truyền cảm hứng…) cũng được chú ý phát triển, đào tạo, trao đổi và chia sẻ ở các địa phương. Một số tỉnh thành đã huy động được mối liên kết giữa các thành tố (lãnh đạo chính quyền – doanh nghiệp lớn - nhà trường –doanh nghiệp khởi nghiệp- tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp - các quỹ hỗ trợ và ngân hàng) để cùng tham gia vào các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ở địa phương. Hầu hết các tỉnh thành đều có lãnh đạo phụ trách phát triển doanh nghiệp, chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương. Đặc biệt, có tỉnh thành đang hình thành trung tâm tài chính (Fintech) để ứng dụng cơ chế thí điểm (sandbox) dành cho các hoạt động đổi mới sáng tạo như TP Đà Nẵng…
Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp lớn mạnh, trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Hiện tại, các chương trình và hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp mà VCCI đang cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện đã góp phần tích cực trong việc tạo nền tảng về chính sách, cơ chế và hệ sinh thái để cộng đồng khởi nghiệp trải nghiệm thực tiễn khởi nghiệp, góp phần phát triển doanh nghiệp.
Theo dự báo, quy mô và hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và nâng cao; thu hút nhiều các nguồn lực trong và ngoài nước. Có thể nói, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nếu được triển khai mạnh mẽ, thành công sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để Việt Nam có thể thu hút các dự án đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn với giá trị gia tăng lớn hơn trong các chuỗi cung ưng toàn cầu, trở thành cơ sở sản xuất công nghệ cao của thế giới.
Vì vậy, kinh nghiệm thực tiễn hỗ trợ khởi nghiệp ở một số địa phương thời gian qua đã chỉ ra một số gợi ý về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Cụ thể: Lãnh đạo của tỉnh, thành phố cần quan tâm chỉ đạo hoạt động kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các tổ chức hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng với các doanh nghiệp lớn, quốc tế; Đặt doanh nghiệp làm trọng tâm và hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ thực tế, trong đó, hỗ trợ tài chính phù hợp cho doanh nghiệp khởi nghiệp ở các giai đoạn khác nhau, tạo điều kiện và cơ hội để tham gia từng dự án cụ thể trong các doanh nghiệp lớn; Việc hỗ trợ bằng nguồn lực trực tiếp của địa phương để đào tạo, xây dựng năng lực cho hệ sinh thái thông qua hoạt động đào tạo đội ngũ cố vấn/huấn luyện viên địa phương, giảng viên nguồn đủ năng lực để tham gia dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng rất quan trọng.
Các nội dung đào tạo này, những năm qua, cũng được VCCI tổ chức tại nhiều tỉnh thành dưới nhiều hình thức; Các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp địa phương cần có sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong và ngoài địa phương của mình, đề xuất các doanh nghiệp lớn/tập đoàn có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp địa phương theo thế mạnh của họ đang kinh doanh; Cùng với những không gian làm việc chung mà một số tỉnh thành đã có, các khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh thành cũng cần dành riêng khu vực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với cơ chế đặc biệt để hỗ trợ hoặc cho thuê với mức phí ưu đãi mà không mất thời gian xây dựng và đầu tư ban đầu lớn; Ngoài nguồn từ ngân sách nhà nước, cũng cần có chính sách và cơ chế thu hút các nguồn lực khác cho các chương trình, dự án hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và được tổ chức thực hiện theo nguyên tắc thị trường.
Nghị quyết 41/NQ-TW mới đây của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra nhiệm vụ phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Nghị quyết có đề cập nhiệm vụ quan trọng đó là "khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ”. Từ kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp hơn 20 năm qua, VCCI sẽ tiếp tục triển khai hợp tác với các địa phương, tỉnh, thành phố và các trường đại học để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái, dẫn dắt các doanh nghiệp khởi nghiệp, các startup vượt qua những thách thức và phát triển.
Có thể bạn quan tâm