VCCI khẳng định nhiều quy định về thủ tục kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan cần phải đơn giản hóa hoặc phải sửa đổi.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản trả lời Tổng cục Hải quan về việc đánh giá tình hình thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP về thủ tục kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Điều 11.1 Thông tư 69/2016/TT-BTC quy định địa điểm làm thủ tục hải quan đối với xuất khẩu xăng dầu, hóa chất, khí là Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.
Tuy nhiên, phản ánh tới VCCI nhiều doanh nghiệp khẳng định quy định này gây nhiều bất cập cho công tác giám sát hải quan đối với việc bơm xăng dầu, hóa chất, khí từ bồn, bể vào phương tiện (Điều 4.2.b.2 Thông tư 69/2016/TT-BTC). Một số trường hợp, khoảng cách giữa kho chứa (nơi cần giám sát) và Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất rất lớn, thậm chí hàng trăm kilomet khiến cho việc thực hiện giám sát của cả cơ quan chức năng, các doanh nghiệp xăng dầu, hóa chất, khí và các đơn vị khác (như đơn vị cung cấp dịch vụ giám định) không thuận tiện và gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, Điều 11.2 Thông tư 69/2016/TT-BTC lại cho phép các doanh nghiệp xăng dầu, hóa chất, khí được làm thủ tục hải quan với hàng tái xuất tại Chi cục Hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu, hóa chất, khí.
Trong khi thủ tục hải quan với hàng tái xuất không có khác biệt đáng kể với thủ tục xuất khẩu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng địa điểm làm thủ tục hải quan với hàng tái xuất như vậy là phù hợp và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Từ những lý do trên, VCCI đề nghị Tổng cục Hải quan nghiên cứu sửa đổi quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan với xăng dầu, hóa chất, khí xuất khẩu theo hướng cho phép doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu, hóa chất, khí.
Ngoài ra, Điều 10.4.d Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định điều kiện về kim ngạch xuất nhập khẩu (để áp dụng chế độ ưu tiên) với đại lý thủ tục hải quan là số tờ khai làm thủ tục hải quan trong năm đạt 20.000 tờ/ năm.
Tuy nhiên, VCCI cho biết theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, quy định số lượng như vậy là quá lớn đối với các đại lý hải quan. Do vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan tổng kết lại việc cấp chế độ ưu tiên cho đại lý hải quan trong 05 năm triển khai vừa qua, từ đó cân nhắc sự phù hợp của số lượng tờ khai trong quy định trên.
Bên cạnh đó, Điều 11.4 Nghị định 08 quy định doanh nghiệp bị đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên thì trong 02 năm tiếp theo không được công nhận doanh nghiệp ưu tiên. Quy định này áp dụng cho tất cả các trường hợp đình chỉ chế độ áp dụng ưu tiên, kể cả trường hợp đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên do doanh nghiệp chủ động đề nghị vì lý do riêng của doanh nghiệp.
Quy định như vậy chưa thực sự hợp lý vì trường hợp doanh nghiệp chủ động xin ngừng áp dụng chế độ ưu tiên không phải do doanh nghiệp có hành vi vi phạm (như các trường hợp đình chỉ khác), nên không cần thiết phải áp dụng hình thức chế tài là không được công nhận doanh nghiệp ưu tiên trong 2 năm tiếp theo.
Do đó, VCCI đề nghị Tổng cục Hải quan điều chỉnh quy định này cho phù hợp.
Điều 25.7.a Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định điều kiện để hàng hóa nhập khẩu có nhiều hợp đồng hoặc đơn hàng được khai trên một tờ khai hải quan là có cùng điều kiện giao hàng, cùng phương thức thanh toán, giao hàng một lần, có một vận đơn.
Tuy nhiên, VCCI cho biết theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc yêu cầu hàng hóa phải có cùng phương thức thanh toán mới được gộp tờ khai hải quan là chưa hợp lý, bởi:
Thứ nhất, việc hàng hóa nhập khẩu cùng hay khác phương thức thanh toán không ảnh hưởng đến quá trình thông quan, kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.
Thứ hai, Thông tư 39/2018/TT-BTC đã cho phép người khai hải quan được phép gộp tờ khai của hàng hóa trả tiền và hàng hóa không phải trả tiền.
Do vậy, VCCI đề nghị Tổng cục Hải quan sửa đổi quy định trên theo hướng cho phép doanh nghiệp được gộp tờ khai với hàng hóa không cùng phương thức thanh toán (tức là bỏ quy định về “cùng phương thức thanh toán”).
Có thể bạn quan tâm
23:42, 25/04/2020
15:11, 27/08/2019
22:21, 31/07/2019