Đó là chia sẻ của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị Giao ban Hiệp hội Doanh nghiệp và Doanh nghiệp Miền Trung- Tây Nguyên vào chiều ngày 4/4 tại Đà Nẵng.
Cải cách thủ tục hành chính
Có nhiều ý kiến cho rằng, trong khi các bộ, ngành trung ương đang có nhiều vấn đề rất nóng trong việc cải thiện các điều kiện và môi trường kinh doanh thì ở địa phương lại “lạnh”. TS. Vũ Tiến Lộc đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, có những địa phương còn chậm trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhưng vấn đề giải quyết vướng mắc thể chế thuộc về trung ương là chính.
TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đang cùng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương kiên quyết đề nghị cắt giảm các điều kiện kinh doanh ở các bộ ngành, nhưng những kiến nghị này phải do các doanh nghiệp đề xuất.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, khi doanh nghiệp còn nhiều ý kiến như thế này thì mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đề ra mới có cơ hội đạt được, vì tăng trưởng sẽ tiếp tục khi những khó khăn được giải quyết, cải cách thể chế quyết liệt.
Về những ý kiến cụ thể, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp ở cụm công nghiệp đối với các doanh nghiệp thành lập tại các thời điểm khác nhau như cách đây 15 năm hay cách đây 5 năm, theo TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên tắc áp dụng là không hồi tố, nhưng về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu được thực hiện, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh. Về chi phí logistics, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng hiện quá rườm rà và thuộc loại cao nhất thế giới. Theo đó, Chính phủ đã có yêu cầu giảm 50% chi phí chuyên ngành trong thời gian tới.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp yêu cầu đốc thúc việc thông qua Luật về Hội để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường. Về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết Luật về Hội đã được đưa ra lấy ý kiến, nhưng vì chưa đạt yêu cầu nên hiện Quốc hội đang giao lại cho Chính phủ.
"Hiện các hội, hiệp hội vẫn đang hoạt động theo các nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ ngành. Chúng ta có thể kiến nghị sửa đổi các quy định này về hội”, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020
Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về tiêu chí chính quyền kiến tạo, cởi trói và đồng hành cùng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng trả lời vấn đề này. Theo đó, trong 3 mô hình nhà nước, hiện chúng ta đang theo đuổi mô hình nhà nước kiến tạo giống các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Ở mô hình này, sản xuất kinh doanh không chỉ do thị trường điều tiết mà còn có bàn tay nhà nước, với sự định hướng thông minh, Nhà nước đóng vai trò như trọng tài trong sân chơi nhưng đồng thời cũng định hướng sự phát triển. "Trong lịch sử, nền kinh tế có nhà nước kiến tạo có tốc độ phát triển nhanh nhất trong tất cả các mô hình. Hiện chúng ta đang cố gắng tạo ra một nhà nước như vậy", TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, hiện chúng ta đang đứng trước một thách thức về mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả vào năm 2020 mà Chính phủ đặt ra, trong khi hiện mới chỉ có trên 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, nếu nói tới hiệu quả, con số càng ít hơn. Bởi theo số liệu của Bộ tài chính, có 60% các doanh nghiệp hiện nay kinh doanh không có lãi (60% doanh nghiệp đăng ký không nộp thuế doanh nghiệp, không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp).
"Với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, chúng ta sẽ đạt được nếu chúng ta chịu "cởi trói” và khâu quyết định cuối cùng là cải cách thể chế”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và cho biết hiện cả nước ta có đến 3,5 - 3,6 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, nhiều hộ kinh doanh quy mô còn lớn hơn doanh nghiệp. Vậy việc thành hay bại của mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp sẽ nằm ở chỗ liệu chúng ta có chuyển được hộ kinh doanh thành doanh nghiệp để minh bạch và hiệu quả hơn không?.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, như chế độ kế toán, nhũng nhiều trong thanh tra, kiểm tra,... Về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết ông đã từng nghe một vị Chủ tịch tỉnh kể về việc ngày hôm trước đăng ký doanh nghiệp, ngày hôm sau chưa kịp treo biển kinh doanh đã có đoàn thanh kiểm tra tới. “Nếu chúng ta gỡ được chế độ kế toán và chế độ thanh tra kiểm tra đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ngoài ra, TS. Vũ Tiến Lộc cũng nhắc đến con số chỉ có 2% doanh nghiệp trong nền kinh tế là doanh nghiệp cỡ vừa. "Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, chúng ta đang rất thiếu những doanh nghiệp cỡ vừa - là cơ cấu năng động nhất trong nền kinh tế. Đây là một thách thức được đặt ra", TS. Vũ Tiến Lộc cho biết và nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay không phải “cá lớn nuốt cá bé” nữa, mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Bởi vậy, các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường thế giới cần phải vươn tới đạt được những chuẩn mực mà quan trọng nhất là chuẩn mực về quản trị và công nghệ.