VCCI thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Na Uy trong xử lý rác thải

NAM ANH 08/04/2022 03:30

Việc hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thực hiện EPR trong thời gian tới.

>>Phát triển bền vững “liều vaccine” của doanh nghiệp

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh làm việc cùng Phó Chủ tịch Cấp cao Tomra Wolfgang Ringel

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh làm việc cùng Phó Chủ tịch Cấp cao Tomra Wolfgang Ringel

Trong buổi làm việc với ông Wolfgang Ringel, Phó Chủ tịch cấp cao của Tomra Systems ASA, Na Uy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh đã trao đổi về tiềm năng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xử lý rác thải.

Cụ thể, ông Ringel cho biết, Na Uy là một trong những nước đi đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và xử lý tài nguyên bền vững/sáng tạo. Đặc biệt, các giải pháp tái chế dựa trên cảm biến của Tomra thực sự tiên tiến và có thể hỗ trợ rất nhiều sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Ringel chia sẻ, các doanh nghiệp Na Uy sẵn sàng mang đến Việt Nam những công nghệ hàng đầu thế giới và chuyên môn xuất sắc. “Điều này thực sự quan trọng trong bối cảnh “phục hồi xanh” là mục tiêu mà nhiều nước trên thế giới, trong đó có Na Uy và Việt Nam, đều cam kết, và Việt Nam đã tuyên bố sẽ đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Chúng tôi đến Việt Nam không chỉ để làm ăn, mà còn để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện những cam kết này”, ông Ringel nhấn mạnh.

Đáng chú ý, ông Ringel cũng trao đổi với Phó Chủ tịch VCCI về việc thúc đẩy thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam. Cụ thể, thông qua việc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.

EPR và kinh tế tuần hoàn có quan hệ mật thiết với nhau, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có EPR. Đây là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam giải quyết vấn đề rác thải hiện nay và hình thành nền công nghiệp tái chế hiện đại.

>>Lan toả chiến lược phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp

Việc thực thi nghiêm túc các quy định về EPR vừa thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, vừa là cơ hội phát triển, tăng sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp

Việc thực thi nghiêm túc các quy định về EPR vừa thể hiện trách nhiệm vừa là cơ hội phát triển, tăng sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp

Ông Ringel nhấn mạnh, việc thực hiện EPR được nhìn nhận như một hình thức để doanh nghiệp thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội tích cực của mình. Phó Chủ tịch cấp cao của Tomra cũng mong muốn, thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện EPR trong thời gian tới.

Đồng tình với các đề xuất của phía Tomra, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi xanh trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, thì kinh nghiệm, sự hỗ trợ và hợp tác của các doanh nghiệp quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp Na Uy, là vô cùng quan trọng.

Trong nhiều năm qua, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, phối hợp với các đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh hơn nữa tinh thần thực hành phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, Phó Chủ tịch VCCI mong muốn, trong thời gian tới Tomra và các doanh nghiệp Na Uy sẽ cùng tham gia các chương trình của VBCSD nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải, đẩy mạnh thực hiện Chương trình EPR tại Việt Nam; đồng thời cam kết VCCI sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Na Uy trong việc tìm kiếm các đối tác uy tín tại Việt Nam, hướng tới thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế xanh và bền vững.

Được thành lập năm 2010 theo sự phê duyệt của Chính phủ, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) là tổ chức định hướng doanh nghiệp, nơi quy tụ những doanh nghiệp hàng đầu và các tổ chức xã hội uy tín ở Việt Nam tiên phong trong thực hiện phát triển bền vững (PTBV), là cầu nối giúp tăng cường phối hợp chặt chẽ và đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và các đối tác trong xã hội để đẩy mạnh PTBV.

VBCSD hiện cũng là 01 trong 69 đối tác thuộc Mạng lưới toàn cầu của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD). Thông qua bốn hoạt động cốt lõi kết nối doanh nghiệp bao gồm truyền thông & nâng cao nhận thức, tập huấn, nghiên cứu và hợp tác quốc tế, VBCSD-VCCI từng bước hỗ trợ đưa PTBV vào trọng tâm chiến lược hoạt động sản xuất, kinh doanh, trở thành “hơi thở” của mỗi doanh nghiệp.

Các Chương trình, sáng kiến nổi bật hiện đang được VBCSD triển khai, bao gồm: (i) tổ chức thường niên Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam; (ii) thúc đẩy doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững; (iii) tổ chức thường niên Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững; (iv) thành lập và duy trì Mạng lưới báo chí về phát triển bền vững; (v) thúc đẩy quan hệ đối tác công – tư trong lĩnh vực PTBV, trong đó có Sáng kiến Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng hệ sinh thái phát triển bền vững

    Xây dựng hệ sinh thái phát triển bền vững

    17:45, 22/03/2022

  • Lan toả chiến lược phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp

    Lan toả chiến lược phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp

    15:00, 18/03/2022

  • Kinh doanh liêm chính: “Chìa khoá” để thành công và phát triển bền vững

    Kinh doanh liêm chính: “Chìa khoá” để thành công và phát triển bền vững

    05:33, 26/02/2022

  • Phát triển bền vững “liều vaccine” của doanh nghiệp

    Phát triển bền vững “liều vaccine” của doanh nghiệp

    03:40, 03/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VCCI thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Na Uy trong xử lý rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO