Nói không với thực phẩm bẩn không chỉ là thông điệp một tháng mà là thông điệp hằng ngày tác động vào ý thức nhà sản xuất, nhà cung cấp, chuỗi bán hàng tới người tiêu dùng.
Đến bao giờ thực phẩm của mỗi gia đình đều luôn đảm bảo chất lượng để mọi người trong xã hội yên tâm sử dụng?
Tháng Hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được phát động lần đầu tiên vào năm 1999, đến nay đã tròn 20 năm và mỗi năm đều có những thông điệp riêng.
Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng VSATTP, đây là văn bản pháp quy sớm nhất chỉ điều chỉnh về an toàn thực phẩm, có ý nghĩa lớn trong việc huy động tất cả các cấp, các ngành cùng toàn thể xã hội quan tâm đến an toàn thực phẩm, là động lực để xây dựng và ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay.
Mỗi tháng VSATTP đều được tổ chức rầm rộ và đều có chủ đề, thông điệp riêng. Thế nhưng trong suốt 20 năm qua câu chuyện về thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bị thiu, thối, được phù phép để trở thành những món ăn trên bàn ăn của mỗi gia đình, trên từng bàn ăn của thực khách luôn luôn là những vấn đề nhức nhối và bức xúc trong xã hội. Thậm chí, thực phẩm bẩn còn ngang nhiên được các đơn vị cung cấp, chế biến thực phẩm tuồn vào trong các bếp ăn trường học, để rồi có rất nhiều vụ ngộ độc xảy ra đối với các em học sinh.
Đầu năm 2019, con số đáng lo ngại được đưa ra: Số vụ mất an toàn thực phẩm năm 2018 tăng 1,4 lần so với năm 2017.
Còn nhớ, năm 2015, tại nghị trường Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã nói về tình trạng thực phẩm bẩn, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bằng câu nói nổi tiếng, gây xôn xao hội trường: "Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế".
Có thể bạn quan tâm
06:00, 21/03/2019
02:10, 20/03/2019
11:00, 18/03/2019
03:45, 21/12/2018
05:00, 02/11/2018
09:34, 22/01/2018
13:20, 18/01/2018
02:06, 17/01/2018
Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều giải pháp từ các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng này. Theo thống kê, năm 2018 có 8.446 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý, xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,5 tỉ đồng, số tang vật thu giữ có trị giá hơn 25,9 tỉ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm...
Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều chuyên gia về lĩnh vực này, những vụ việc bị phát hiện và xử lý được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều vụ việc đã không kiểm soát hết, bị bỏ qua ở các khâu từ sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ trên thị trường, và bằng nhiều cách nó đã len lỏi vào từng mâm cơm của mỗi gia đình.
Có thể thấy, vai trò của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm là rất thụ động. Trong khi vấn đề đã quá nghiêm trọng thì vẫn còn tư duy làm theo định kỳ, kế hoạch, đôi khi có một vài lần đột xuất để làm đẹp báo cáo. Nhiều địa phương cũng có đợt ra quân nhưng làm cho có lệ, phong trào xong lại đâu vào đấy. Chưa có sự chủ động kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý để ngăn chặn thực phẩm bẩn âm thầm tuồn ra thị trường.
VSATTP là một vấn đề nhức nhối cho toàn xã hội, nhưng chỉ với những thông điệp như “Hãy nói không với thực phẩm bẩn” hoặc “Hãy làm người tiêu dùng thông thái” không thể giải quyết được triệt để vấn đề mất VSATTP này.
Để loại trừ thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả xã hội và đặc biệt phải là ý thức của chính những người trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ thực phẩm này. Nói cho đúng đó là cần sự đạo đức của những người kinh doanh, của những người tạo ra thực phẩm và cần cả những con người chăm sóc ở các nhà trường, trung tâm…
Thiết nghĩ, nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng không chỉ là thông điệp hành động trong một tháng mà phải là thông điệp hằng ngày, tác động vào ý thức từ người sản xuất, nhà cung cấp, chuỗi bán hàng tới người tiêu dùng.
Nói như chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, "12 tháng trong 1 năm phải là 12 tháng đảm bảo VSATTP. Cái đích cuối cùng để chúng ta phấn đấu, đó là những miếng thịt, ngọn rau, khúc cá, bát cơm của mỗi gia đình đều luôn luôn đảm bảo chất lượng để mọi người trong xã hội yên tâm sử dụng".
Chỉ một điều đơn giản này thôi liệu chúng ta ước mong bao giờ mới thành hiện thực?
Câu trả lời này xin để dành phần giải đáp cho các nhà quản lý, các bộ ngành, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất kinh doanh trên đất nước Việt Nam.