Bên cạnh một số nguyên nhân đã kéo dài nhiều năm làm chậm giải ngân vốn công thì thể chế, chính sách liên quan đến triển khai dự án đầu tư vẫn còn bất cập đang là một phần nguyên do chính…
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: 6 giải pháp trọng tâm để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Đó là nhận định của một số chuyên gia về nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua.
Nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%
Theo đó, Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 9 tháng và ước thực hiện 10 tháng kế hoạch năm 2022.
Theo báo cáo lũy kế thanh toán vốn đầu tư từ đầu năm đến hết tháng 9/2022 là trên 249.289 tỷ đồng, đạt trên 38% kế hoạch (trên 641.288 tỷ đồng) và đạt 42,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 580.046 tỷ đồng). Ước thanh toán từ đầu năm đến 31/10/2022 là trên 297.774 tỷ đồng, đạt 46,44% kế hoạch và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này đang đạt thấp so với kế hoạch vốn giao năm 2022 và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt trên 48% kế hoạch và đạt trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tháng 10/2022, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được bổ sung từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là trên 38.155 tỷ đồng, bằng khoảng 6,6% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (bao gồm vốn cho nhiệm vụ, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn là trên 19.570 tỷ đồng; vốn cho các nhiệm vụ không phải dự án đầu tư là gần 18.585 tỷ đồng). Số vốn này mới được Thủ tướng Chính phủ giao ngày 12/10/2022, nên chưa giải ngân được, do vậy đã kéo tỷ lệ giải ngân xuống thấp so với tổng số kế hoạch vốn giao.
Bộ Tài chính cho biết, hiện có 11 bộ và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 55%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao gồm Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (trên 99,4%), Bình Định (79,6%), Tiền Giang (76,4%), Đồng Tháp (75,2%)…
Bên cạnh đó, còn 30 bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó có 19 bộ và 3 địa phương đang có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như Bộ Giáo dục - Đào tạo (24,35); Bộ Y tế (20,73%); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (27%); tỉnh Hà Giang (trên 26%); tỉnh Phú Yên (trên 29%)…
>>Giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu
Do thể chế, chính sách còn bất cập
Trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện có tiền nhưng không tiêu được là "biết rồi, nói mãi" nhưng vẫn chưa cải thiện, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần nhìn nhận nguyên nhân quan trọng là do con người.
“Cụ thể là khâu tổ chức thực hiện còn thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm ở các cấp, ngành. Bởi thực tế có địa phương, bộ, ngành giải ngân vốn đạt kết quả rất khả quan, như Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tây Ninh...”, TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Bên hành lang Quốc hội, phân tích câu chuyện này dưới góc độ pháp lý, đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng) cho rằng, một phần nguyên nhân chính là do thể chế, chính sách liên quan đến triển khai dự án đầu tư đang có nhiều bất cập.
Cụ thề đại biểu Bế Minh Đức chỉ rõ, theo quy định của pháp luật, từ khi hình thành dự án cho đến khi giải ngân được vốn, tổ chức thi công phải trải qua rất nhiều giai đoạn, thủ tục. Ví dụ như công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện một dự án thường phải trải qua khoảng 12 bước, đối với dự án nhóm A, nếu thực hiện đúng thủ tục, trình tự thường mất thời gian khoảng gần 2 năm, với dự án nhóm B, nhóm C thường mất khoảng 9 đến 10 tháng, đó là không kể đến vướng mắc gì trong các khâu thẩm định hay giải phóng mặt bằng.
Mặt khác, thủ tục, trình tự triển khai thực hiện một dự án lại được quy định ở rất nhiều văn bản pháp luật liên quan như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công,... Một giai đoạn phải tuân thủ nghiêm ngặt về thủ tục, trình tự theo đúng thời gian quy định nên dẫn đến tiến độ chậm. Các dự án liên quan đến điều chỉnh quy hoạch các loại rừng thường mất thêm thời gian khoảng 4 tháng. Bên cạnh đó, một số quy định trong các văn bản hướng dẫn còn có sự giao thoa, chồng chéo, dẫn đến mất rất nhiều thời gian hoàn thiện các thủ tục theo trình tự quy định.
Với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Bế Minh Đức cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện các quy định văn bản hướng dẫn của Trung ương liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia. Do vậy, các địa phương mất nhiều thời gian trong công tác nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để cụ thể hóa các quy định của Trung ương nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương. Theo kế hoạch tiến độ này thì từ nay đến cuối năm không thể giải ngân kịp thời nguồn vốn này.
Đại biểu tỉnh Cao Bằng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của năm 2022 và cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023.
“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo quy định chặt chẽ và được thực thi nghiêm túc để tạo động lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công”, đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu
15:55, 18/10/2022
Cần làm rõ trách nhiệm việc chậm giải ngân vốn đầu tư công!
03:26, 07/10/2022
Chậm giải ngân đầu tư công do vướng thủ tục... "đấu giá đất"
01:14, 05/10/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: 6 giải pháp trọng tâm để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
22:00, 24/10/2022