Cuộc chiến tranh giành thị phần của các ví điện tử diễn ra ngày càng gay cấn, nhất là khi nhiều ứng dụng tích hợp ví tạo một hệ sinh thái riêng.
Tính đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán cho 30 tổ chức không phải ngân hàng, trong đó có 27 tổ chức cung ứng có ví điện tử.
Tính đến 31/12/2018, các tổ chức trung gian thanh toán đã cung ứng 4,24 triệu ví đã được xác thực, có sự liên kết với tài khoản ngân hàng/gần 9 triệu ví đăng ký. Hiện cả nước có 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử. Năm 2018 hệ thống các công ty trung gian thanh toán đã xử lý 214 triệu món, tăng 14,66% so với 2017 với giá trị 91.000 tỷ đồng.
Dự kiến đến 2020, theo Asian Banker Research Việt Nam sẽ vượt mốc 10 triệu người sử dụng ví điện tử. Đây là con số vô cùng ấn tượng và cho thấy xu hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi thói quen của người dân.
Từ những ví điện tử đầu tiên như Momo, Moca, Vimo cho đến những cái tên mới hơn như Zalo Pay, AirPay và gần đây nhất có sự gia nhập của những thành viên đến từ những ứng dụng chia sẻ xe như GrabPay by Moca, beFinancial của BE Group. Tất cả đều đang “chật vật” trong cuộc đua giành thị phần.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 05/06/2019
05:01, 14/05/2019
06:06, 13/05/2019
04:40, 23/04/2019
11:10, 01/04/2019
03:21, 24/03/2019
11:08, 20/03/2019
Trong khi ngân hàng cồng kềnh và xử lý giao dịch chậm, thì ví điện tử có ưu điểm nổi bật là kết nối dễ dàng với các dịch vụ. Vì vậy, tại Việt Nam, ngày càng xuất hiện nhiều thương hiệu ví điện tử mới dựa trên bắt tay chiến lược của các ngân hàng và công ty công nghệ. Có thể thấy, thị trường ví điện tử sẽ trở thành “cuộc chiến” và trong diễn biến đó, sẽ mở ra viễn cảnh về sự sáp nhập toàn diện các dịch vụ thanh toán, cho vay, đầu tư vào một ứng dụng di động.
Việc “cộng sinh” như trên sẽ giúp chính các ứng dụng Grab, be tiết kiệm một khoản đầu tư rất lớn ban đầu cho việc xây dựng một ví điện tử riêng, bởi chi phí đầu tư cho giai đoạn đầu có thể lên đến hàng trăm triệu USD.
Theo chia sẻ trong cuộc gặp giữa đại diện CLB doanh nghiệp công nghệ tài chính Việt Nam (VietFintech) với báo chí, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch của MoMo cho biết, mỗi ví cần khoảng 200 triệu USD chi phí để phát triển được tính trong vòng thời gian từ 18-24 tháng để có thể chiếm thị phần chi phối.
Lý giải về chi phí tăng cao như vậy, theo ông Diệp, đó là do sự cạnh tranh trong lĩnh vực fintech nói chung và trung gian thanh toán (payment) nói riêng tại Việt Nam đang diễn ra quyết liệt, đẩy các chi phí quảng bá, marketing để thu hút và giữ chân người dùng tăng gấp nhiều lần so với trước.
Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, khi ngành Ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 thì sự ra đời và phát triển của các ví điện tử là tất yếu. Tuy nhiên, với tâm lý người dân còn e ngại về độ an toàn của các dịch vụ thanh toán trực tuyến, đồng thời thói quen sử dụng tiền mặt từ lâu thì bên cạnh việc gia tăng tiện ích, các ví phải đặc biệt chú trọng đến bảo đảm an toàn, bảo mật cho khách hàng mới có thể phát triển nhanh, bền vững được.