Ấn Độ xem xét lại thuế quan theo hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN trong bối cảnh lo ngại trong nước gia tăng về hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
>> Vì sao Ấn Độ cần BRICS?
Sở dĩ Ấn Độ chuẩn bị xem xét lại các mặt hàng nhập khẩu miễn thuế theo FTA với các quốc gia Đông Nam Á do các doanh nghiệp trong nước lo ngại về hàng nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường. Mặt khác, New Delhi phải bảo vệ lợi ích chiến lược của mình trong việc duy trì quan hệ với ASEAN.
GS. Biswajit Dhar tại Hội đồng Phát triển Xã hội ở Delhi, cảnh báo rằng FTA đã tạo ra một cánh cửa sau để Trung Quốc chuyển hướng nguồn cung miễn thuế vào thị trường Ấn Độ, làm xói mòn khả năng cạnh tranh của các công ty trong nước. "Mặc dù có lý do để tăng thuế nhập khẩu, nhưng Ấn Độ sẽ phải hành động thận trọng", ông Dhar lưu ý, đồng thời nói thêm rằng FTA cũng biểu thị cho các mối quan hệ đối tác chiến lược vượt ra ngoài quan hệ kinh tế.
Các cuộc đàm phán sắp tới của Ấn Độ với ASEAN dự kiến diễn ra từ ngày 29 đến 31 tháng 7 năm 2024 tại Jakarta. Khối ASEAN, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, đặt ra một thách thức to lớn cho Ấn Độ khi các công ty Trung Quốc có sự hiện diện mạnh mẽ trên khắp 10 quốc gia của khối.
Thương mại song phương theo FTA ASEAN-Ấn Độ đã đạt 122,67 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 2023-2024. Phần lớn hoạt động thương mại của Ấn Độ theo thỏa thuận này hướng đến Singapore, Malaysia và Thái Lan. Nhưng có ý kiến cho rằng, Ấn Độ đang lo ngại hoạt động thương mại này đang thiên về phía ASEAN, khi khu vực này đang dần trở thành một trung tâm sản xuất mạnh của thế giới.
Khi Ấn Độ đánh giá lại mối quan hệ thương mại với ASEAN, một giải pháp được đưa ra là điều chỉnh thuế quan chiến lược trong khuôn khổ FTA ASEAN-Ấn Độ. "Ấn Độ có thể cân nhắc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng cụ thể, chẳng hạn như điện thoại di động và phụ tùng ô tô", ông Soumya Bhowmick, Chuyên gia về kinh tế phát triển bền vững và toàn cầu hóa tại tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation gợi ý.
Chuyên gia này cho biết thêm: "Thỏa thuận cho phép đưa một số sản phẩm nhất định vào 'danh sách cực kỳ nhạy cảm' và 'danh sách loại trừ', có thể được xem xét hàng năm. Sự linh hoạt này cho phép Ấn Độ quản lý những tác động đến các ngành công nghiệp trong nước bằng cách điều chỉnh thuế quan để hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa và giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại".
>> Ấn Độ sẽ là trung tâm sản xuất mới của các doanh nghiệp toàn cầu?
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã thực hiện sứ mệnh chuyển hướng nền kinh tế của mình từ lĩnh vực dịch vụ sang sản xuất. “Ấn Độ có thể bảo vệ các ngành sản xuất đang phát triển mạnh mẽ của mình, khuyến khích sản xuất trong nước và tăng cường khả năng tự chủ trong khi vẫn tuân thủ các thỏa thuận thương mại quốc tế”, ông Bhowmick cho biết và nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán với các đối tác ASEAN sẽ đảm bảo các biện pháp này cân bằng và cùng có lợi.
Tuy nhiên, hành động cân bằng này cũng đi kèm với những rủi ro nhất định. Các chuyên gia cho biết Ấn Độ sẽ cần đưa ra bằng chứng chắc chắn về việc hàng nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường để biện minh cho việc tăng thuế. "Nếu New Delhi tìm cách tăng thuế đối với các mặt hàng cụ thể, họ có thể phải đền bù bằng cách giảm thuế ở các lĩnh vực khác", ông Dhar nhận định.
Những hành động như vậy cũng có thể gây nguy cơ làm tổn hại đến danh tiếng của Ấn Độ trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu. Theo Sujan Hajra, Giám đốc điều hành tại Anand Rathi Financial Services có trụ sở tại Mumbai, cho biết: “Có nhận thức cho rằng Ấn Độ là một quốc gia bảo hộ, nhưng thực tế không phải vậy”.
Có thể bạn quan tâm