Vì sao các tập đoàn công nghệ Trung Quốc dễ bị 'điểm huyệt'?

THEO KINH TẾ SÀI GÒN 17/08/2020 16:19

Vì sao các đại gia công nghệ Trung Quốc - tưởng là cực kỳ hùng mạnh - lại lao đao khi phải đối mặt với những đòn đánh của Mỹ?

Những cú 'điểm huyệt' của Mỹ đã làm lộ ra gót chân Achilles của Trung Quốc là sự yếu kém về công nghệ lõi và nghiên cứu cơ bản, là những nền tảng quyết định cho sự phát triển vững chắc và khả năng chi phối nền công nghệ toàn cầu.

Lệ thuộc từ phần cứng đến bản quyền công nghệ

Trong những thập niên qua, công nghệ Trung Quốc đã đã được những tiến bộ rất khả quan. Với sự xuất hiện của những tập đoàn công nghệ lớn như Huawei, Tencent, Alibaba, những sản phẩm điện tử tiêu dùng “made in China” đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới.

Những ứng dụng WeChat, Tik Tok, Baidu ngày càng có nhiều người dùng ở các nước. Thêm vào việc báo chí nước ngoài đề cập rất nhiều về sự phát triển vượt bậc của công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc. Những sự kiện này làm người ta nghĩ rằng Trung Quốc đã trở thành một ông khổng lồ về công nghệ ngang tầm với Mỹ. Nhưng thực tế không đơn giản như thế.

Về phần cứng, chip xử lý và các mạch tích hợp cao cấp thì Trung Quốc vẫn phải lệ thuộc vào nước ngoài. Năm 2019, Trung Quốc đã nhập khẩu số chip và mạch điện tử trị giá 312 tỉ USD từ Mỹ, châu Âu, Nhật và Hàn Quốc. Trung Quốc có vài ba hãng sản xuất chip nhưng theo sự cấp phép của Mỹ.

Các phần mềm chuyên dụng thiết kế chip như Synopsys và Cadence, bí quyết kỹ thuật sản xuất chip là của Mỹ, các máy công cụ cao cấp dùng để sản xuất chip là do Hà Lan, Pháp, Nhật chế tạo nhưng bản quyền công nghệ cũng là của Mỹ.

Về phần mềm, không thể phủ nhận là những ứng dụng Trung Quốc có nhiều ưu điểm như tính năng hữu ích và phong phú, lại dễ sử dụng nên phù hợp với đại đa số người dùng không thông thạo công nghệ thông tin. Nhưng đó là những sản phẩm mà giới công nghệ Trung Quốc sao chép lại từ ý tưởng của phương Tây và có bổ sung thêm tính năng cho phù hợp “khẩu vị” người dùng bản địa.

Những ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc cũng sao chép từ ý tưởng của người Mỹ: cổ máy tìm kiếm Baidu là bản sao của Google Search, WeChat là sự sao chép từ WhatsApp, Facebook, Instagram, Skype, Uber, Tinder, Alibaba là một bản sao chép tổng hợp từ eBay, Amazon và Google, Sina Weibo từ Twitter, thanh toán điện từ WeChat Pay và AliPay là nhái từ Visa và Master, Tencent Video từ YouTube, Zhihu từ Quora.

Gót chân Achilles của công nghệ cao Trung Quốc

Những sự việc trên đã phơi bài ra thực chất của cả nền công nghệ Trung Quốc là quá lệ thuộc và ỷ lại vào nước ngoài. Đây chính là cái tử huyệt mà Mỹ tập trung đòn đánh vào đó.

Chính một số chuyên gia Trung Quốc cũng nhận đinh nguyên nhân chủ yếu là ở sự tư duy ngắn hạn của giới doanh nghiệp Trung Quốc, họ thích sử dụng những gì người khác đã phát minh ra sẵn. Chủ trương của họ là xài những gì “mang lại kết quả nhanh nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất trong thời gian ngắn nhất” thay vì phải nổ lực thực hiện và đeo đuổi các nghiên cứu cơ bản dài hơn -vốn tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Người Hoa vốn nhanh nhạy về nắm bắt khuynh hương thị trường, có đầu óc cải tiến nhưng lại thiếu sự nhẫn nại để theo đuổi những công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và trì chí. Đây cũng là điểm yếu chung của nhiều dân tộc châu Á chứ không chỉ riêng người Trung Hoa. Vì thế, từ thế kỷ 19 đến nay, hầu hết những phát minh khoa học công nghệ có tầm ảnh hưởng toàn cầu đều xuất phát từ phương Tây.

Trong lĩnh vực lập trình ứng dụng, theo nhận định của các chuyện gia phương Tây, Trung Quốc không có một nền “văn hóa lập trình” các ứng dụng mã nguồn mở lâu đời như phương Tây.

Đa số các lập trình viên Trung Quốc là có trình độ chuyên môn cao, nhưng họ thích làm những gì mau đem lại hiệu quả kinh tế hơn là bỏ công sức viết những phần mềm mã nguồn mở cho người khác dùng miễn phí.

Một điểm nữa là tinh thần làm việc nhóm (team work) không được các lập trình viên Trung Quốc xem trọng, họ vốn có tâm lý thích “làm vua một cõi”, trong khi “team work” là yếu tố không thể thiếu để xây dựng nên những ứng dụng đạt tầm cỡ thế giới như TensorFlow hay PyTorch.

Từ lâu, chính phủ Trung Quốc đã nhận thức được những nhược điểm của nền công nghệ nước này, họ đã nổ lực để khắc phục với việc ban hành những chính sách tài trợ cho các nghiên cứu khoa học cơ bản, thúc đẩy đào tạo đội ngũ chuyên môn, áp dụng giáo dục công nghệ thông tin cho học sinh từ tiểu học. Nhưng, tất cả những giải pháp đó đều phải mất nhiều năm mới mang lại kết quả.   

Với những nhược điểm thuộc về bản chất của nền công nghệ “made in China”, chuyện gì sẽ xảy ra khi sự căng thẳng Mỹ-Trung lên tới đỉnh điểm? Nhiều khả năng chính phủ Mỹ tung thêm những đòn đánh nữa trên lĩnh vực công nghệ và tài chính.

Người Mỹ đã chứng tỏ quyết tâm ngăn chặn sự vươn lên ngôi đầu thế giới của Trung Quốc với việc khai mào chiến tranh thương mại, tiếp theo là các biện pháp trừng phạt hiểm hóc về công nghệ. Thêm vào đó là ý định hỗ trợ Ấn Độ phát triển sản xuất để thay thế vai trò “công xưởng thế giới” của Trung Quốc cũng khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ di dời hãng xưởng sản xuất ra khỏi Hoa Lục.

Phương Tây e ngại Trung Quốc ứng dụng AI vào quân sự

Một lĩnh vực công nghệ mà chính phủ Trung Quốc đặt ưu tiên cao nhất là công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI-Artificial Intelligence). Theo các chuyên gia công nghệ thế giới, AI chính là tương lai của thế giới, quốc gia nào làm chủ được AI sẽ thống trị thế giới trong ít nhất là ba thập niên tới.

Trong chiến lược phát triển công nghệ quốc gia Made in China 2025 của chính phủ Trung Quốc triển khai từ tháng 7-2017, mục tiêu chủ yếu là đến năm 2030, Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Công nghệ AI mang lại lợi ích về mặt kinh tế ra sao? Năm 2019, hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (Anh) đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về hiệu quả kinh tế của thị trường công nghệ AI thế giới trong tương lai. Kết quả cho thấy, đến năm 2030, các ứng dụng AI sẽ giúp gia tăng năng suất lao động, nhờ đó nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng thêm 6.600 tỉ USD.

Đồng thời, trong lĩnh vực tiêu dùng, những sản phẩm gia dụng tích hợp AI sẽ giúp kinh tế thế giới thu thêm 9.100 tỉ USD từ các sản phẩm gia dụng tích hợp AI, và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng tỉ gia đình. Đó chỉ là trong lĩnh vực dân dụng, AI còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công nghệ hàng không không gian và đặc biệt là quốc phòng trong lĩnh vực vũ khí tấn công thông minh và chiến tranh không gian mạng (cyber warfare).

Cuối năm rồi, báo South China Morning Post có loạt bài chuyên đề về sự phát triển của công nghệ AI Trung Quốc. Kết quả cho thấy các phần mềm tối cần thiết để thiết kế các ứng dụng AI mà Trung Quốc đang sử dụng đều là của Mỹ. Hiện tại, các hãng công nghệ AI hàng đầu của Trung Quốc đều sử dụng hai nền tảng mã nguồn mở (open-source platform) của Mỹ là TensorFlow của Google và Pytorch của Facebook.

Những nền tảng này cung cấp những công cụ và thư viện rất quan trọng trong lĩnh vực máy học (machine learning) để các phần mềm AI có thể hoạt động đạt hiệu quả cao. Một số doanh nghiệp Trung Quốc khác thì dùng hai nền tảng mã nguồn mở như MXNet và Caffe, cũng đều là của Mỹ.

Còn về phần cứng, để chạy các ứng dụng AI thì phải sử dụng hệ thống máy tính chủ chuyên dụng dùng chip GPU và FPGA, chip cảm biến. Các thứ này đều do Mỹ thiết kế và sản xuất, Trung Quốc chỉ có vài hãng như Inspur và Sugon là sản xuất được máy chủ AI, nhưng là theo sự cấp phép của hai hãng Mỹ Intel và AMD.

Năm 2019, khi chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm các doanh nghiệp công nghệ Mỹ giao dịch với tập đoàn Huawei của Trung Quốc, Huawei đã phải lao đao vì các dòng smartphone -vốn là sản phẩm chủ lực của hãng này- sử dụng linh kiện do các hãng Mỹ như Intel, Qorvo, Skyworks, Qualcomm, Broadcom, Cirrus Logic sản xuất.

Hồi đầu tháng này, hãng thông tấn AP đưa tin, CEO Richard Yu của Huawei đã thông báo rằng họ sắp hết chip để sản xuất vì lệnh cấm vận của Mỹ. Dù Huawei đã lên kế hoạch sản xuất chip Kirin dành cho dòng smartphone cao cấp từ năm rồi, nhưng do Mỹ gây áp lực nên việc đặt gia công sản xuất bị gián đoạn. Ông Yu cũng cho biết các hãng gia công nước ngoài đã thôi không nhận đơn đặt hàng mới của Huawei kể từ ngày 15-9 tới.

Sở dĩ Mỹ có thể gây áp lực với các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vì các công nghệ lõi đều thuộc sở hữu của các tập đoàn công nghệ Mỹ. Lệnh cấm của chính Mỹ bao gồm điều khoản các doanh nghiệp ngoài nước Mỹ nếu có sử dụng phần mềm hoặc máy móc móc thiết bị do Mỹ thiết kế cũng nằm trong phạm vi chi phối của lệnh cấm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao các tập đoàn công nghệ Trung Quốc dễ bị 'điểm huyệt'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO