Vụ rò rỉ 11,9 triệu hồ sơ tài chính đang gây rúng động dư luận khi gọi tên hàng trăm tỷ phú thế giới. Tuy nhiên, các tỷ phú giàu nhất nước Mỹ lại không xuất hiện trong danh sách.
"Hồ sơ Pandora" là tên gọi chung của 11,9 triệu tập tài liệu rò rỉ từ 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính, được những khách hàng giàu có, quyền lực thuê để tạo lập các tài sản và quỹ tín thác ở những thiên đường thuế như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ hay quần đảo Cayman.
Tập hợp tài liệu khổng lồ này chứa đựng những bí mật về các giao dịch và tài sản của 35 lãnh đạo thế giới (bao gồm cả những người đương nhiệm và đã về hưu) và hơn 300 quan chức, từ các bộ trưởng chính phủ, thẩm phán đến các thị trưởng, tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 quốc gia.
Hồ sơ Pandora cũng liệt kê 130 tỷ phú được cho là chủ sở hữu các tài khoản nhưng không bao gồm bất kỳ cá nhân giàu có nhất nào của Mỹ. Các nhà phân tích tài chính suy đoán những người giàu có ở Mỹ - như Jeff Bezos, Warren Buffet, Elon Musk và Bill Gates - có ít động lực hơn để sử dụng các ‘thiên đường thuế’ ở nước ngoài do mức thuế ở trong nước họ phải trả thấp tới mức họ không cần tới các "thiên đường thuế" ở nước ngoài.
Theo một cuộc điều tra được tổ chức truyền thông phi lợi nhuận ProPublica công bố hồi tháng 6, 25 người giàu nhất nước Mỹ, trong đó có Bezos, Buffett và Musk chỉ phải trả "mức thuế thực sự" là 3,4% trong giai đoạn 2014-2018. Bezos được cho là đã đóng thuế 0,98%, trong khi con số này của Buffet và Musk lần lượt là 0,1% và 3,27%.
Mức thuế thực Bill Gates nộp không rõ, song trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018 với CNN, ông thừa nhận cần phải đóng thuế nhiều hơn. "Tôi cần phải trả thuế nhiều hơn. Tôi đóng thuế hơn 10 tỷ USD, nhiều hơn bất cứ ai, nhưng chính phủ nên yêu cầu những người như tôi nộp thuế cao hơn", Gates khi đó chia sẻ.
Các chuyên gia tài chính còn đưa ra giả thuyết nữa về việc các tỷ phú Mỹ không xuất hiện trong Hồ sơ Pandora cũng có thể do họ sử dụng các thiên đường thuế khác, vốn không được nêu trong hồ sơ này. Hồ sơ Pandora chỉ bao gồm các tài liệu của 14 hãng dịch vụ tài chính offshore đang hoạt động ở Thụy Sĩ, Singapore, đảo Cyprus, Belize, quần đảo Virgin...
Các chuyên gia nhận định vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora sẽ gây lo ngại khi việc che giấu tài sản có thể làm trầm trọng thêm chênh lệch giàu nghèo và các loại tội phạm như buôn bán ma túy, tấn công mã độc tống tiền và buôn bán vũ khí.
Việc sở hữu tài sản bí mật ở nước ngoài không phải bất hợp pháp, nhưng sử dụng mạng lưới phức tạp gồm các công ty bí mật để chuyển tiền và tài sản được coi là phương thức "rửa tiền" hoàn hảo. Nhiều chính trị gia từng bị lộ chuyện trốn thuế hoặc che giấu tài sản, đặc biệt sau các vụ rò rỉ gây chấn động trước đó, như Hồ sơ Panama năm 2016.
Theo BBC, Hồ sơ Pandora với ước tính 2,94 terabyte dữ liệu, là vụ rò rỉ "khủng" nhất trong những năm gần đây, lớn hơn nhiều so với Hồ sơ Panama năm 2016 và Hồ sơ Paradise năm 2017.
Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã tiến hành phân tích và xác minh tính chân thực của Hồ sơ Pandora, với sự tham gia của 600 nhà báo. Đợt công bố thông tin đầu tiên bắt đầu ngày 3/10, do một số hãng thông tấn "được lựa chọn" thực hiện.
Ngoài một số nguyên thủ, cựu nguyên thủ và chính khách, hồ sơ Pandora cũng nhắc tới một số nhân vật nổi tiếng thế giới như ngôi sao nhạc pop Shakira và cựu siêu sao bóng cricket Sachin Tendulkar của Ấn Độ. Các luật sư của cả hai nhấn mạnh, những tài sản do họ nắm giữ ở nước ngoài là hợp pháp và đã được khai báo với cơ quan thuế.
Hồ sơ Pandora là gì? Cuộc điều tra Hồ sơ Pandora là sự hợp tác báo chí lớn nhất từ trước tới nay trên thế giới, có sự tham gia của hơn 600 nhà báo từ 150 hãng truyền thông ở 117 quốc gia. Cuộc điều tra dựa trên vụ rò rỉ hồ sơ mật của 14 nhà cung cấp dịch vụ offshore chuyên nghiệp cho các tập đoàn và cá nhân giàu có đang tìm cách kết hợp các công ty vỏ bọc, quỹ tín thác các quỹ và các tổ chức khác trong các khu vực pháp lý đánh thuế thấp hoặc không đánh thuế. Những thực thể này cho phép các chủ sở hữu che giấu danh tính với công chúng và đôi khi với các cơ quan quản lý. Thông thường, các nhà cung cấp giúp chủ sở hữu mở tài khoản ngân hàng ở các quốc gia có quy định tài chính nhẹ. 2,94 terabyte dữ liệu của Hồ sơ Pandora được ICIJ chia sẻ với các đối tác truyền thông trên khắp thế giới có nhiều định dạng khác nhau: Tài liệu, hình ảnh, email, bảng tính... Hồ sơ bao gồm một lượng lớn thông tin chưa từng có về những người được gọi là chủ sở hữu có lợi của các thực thể được đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh, Seychelles, Hong Kong (Trung Quốc), Belize, Panama, Nam Dakota (Mỹ) và các khu vực pháp lý bí mật khác. Hồ sơ Pandora cũng chứa thông tin về các cổ đông, giám đốc và giới chức. Một số tệp tài liệu trong Hồ sơ Pandora có từ thập niên 1970 nhưng phần lớn các tệp ICIJ xem xét đều được tạo trong giai đoạn 1996 đến 2020. Dữ liệu bao gồm nhiều vấn đề: Thành lập các công ty vỏ bọc, các quỹ và quỹ tín thác; sử dụng các thực thể offshore để mua bất động sản, du thuyền, máy bay và bảo hiểm nhân thọ; sử dụng các thực thể offshore để đầu tư và chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng; lập kế hoạch bất động sản và các vấn đề thừa kế khác; tránh thuế thông qua các chương trình tài chính phức tạp. Một số tài liệu có liên quan tới tội phạm tài chính, bao gồm rửa tiền. |
Có thể bạn quan tâm
Niềm tin hồi sinh
04:00, 03/10/2021
“Người đặc biệt” Elon Musk!
04:18, 02/10/2021
Khổ - hạnh với trà
05:00, 01/10/2021
Con đường làm giàu kỳ lạ của tỷ phú Nga Igor Shilov
00:05, 29/09/2021
Tiêu chí tuyển dụng khác người của tỷ phú Jeff Bezos
02:17, 28/09/2021
Tham vọng biến nước thành vàng của "kẻ dị biệt' trong câu lạc bộ tỷ phú thế giới
00:12, 27/09/2021
“Kháng sinh thực vật” là vốn quý kháng COVID-19
03:02, 25/09/2021