Vì sao Chủ tịch DGC phải chi hàng chục tỷ đồng đỡ giá cổ phiếu?

ĐÌNH ĐẠI 20/11/2022 03:30

Ngay sau khi thông tin Chủ tịch DGC Đào Hữu Huyền đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu nhằm tăng sở hữu, lập tức cổ phiếu DGC có 2 phiên tăng giá liên tiếp, trong đó có 1 phiên tăng trần.

>>>Vì sao DGC trở thành cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán?

Cụ thể, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu DGC nhằm tăng sở hữu.

Chủ tịch Hóa chất Đức Giang chi hàng chục tỷ đồng đỡ giá cổ phiếu.

Chủ tịch Hóa chất Đức Giang chi hàng chục tỷ đồng đỡ giá cổ phiếu.

Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong khoảng thời gian từ 17/11 đến 16/12/2022. Nếu giao dịch thành công ông Huyền sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 18,11% lên 18,38%. Tạm tính theo giá chốt phiên ngày 14/11 là 57.200 đồng/cổ phiếu, ước tính Chủ tịch DGC phải chi ra 57,2 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.

Động thái mua vào cổ phiếu của Chủ tịch Đào Hữu Huyền diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu DGC có 3 phiên giảm sàn liên tiếp. Ngay sau khi thông tin đăng ký mua vào cổ phiếu của Chủ tịch được đưa ra, lập tức cổ phiếu của doanh nghiệp ngành hóa chất này đã có phiên tăng trần vào ngày 16/11, với mức tăng 6,95% và ngày 17/11 tăng thêm 3,69%. Tuy nhiên, nếu tính từ thời điểm giữa tháng 6/2022, cổ phiếu DGC đã giảm hơn 59%, từ vùng giá 134.700 đồng/cổ phiếu (ngày 17/6), xuống vùng giá 54.900 đồng/cổ phiếu (ngày 18/11).

Trước việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp, ngày 16/11 vừa qua, ông Đào Hữu Huyền đã gửi tâm thư trấn an cổ đông. Theo đó, Chủ tịch DGC cho biết, trong lịch sử 8 năm kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, chưa bao giờ cổ phiếu của DGC sập sàn 5 phiên liên tiếp, điều bất thường này lại xảy ra vào năm mà kết quả sản xuất kinh doanh của DGC cao nhất từ trước tới nay. Doanh thu ước đạt trên 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt trên 6.000 tỷ đồng.

Tại quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế tháng 10, tháng 11 ước tính khoảng 800 tỷ đồng, chắc chắn đạt kế hoạch đề ra là 1.100 tỷ đồng.

“Mọi hoạt động của Tập đoàn vẫn bình thường, về tài chính, tôi có thể tự hào DGC là 1 trong những công ty có nền tảng tài chính tốt nhất Việt Nam với số dư tiền gửi trên 8.000 tỷ đồng và số nợ vay phải trả khoảng 600 tỷ đồng. Là công ty xuất khẩu lớn nên đã hưởng chênh lệch tỷ giá hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Tuy giá cả có giảm cho một số mặt hàng, nhưng lợi nhuận vẫn rất tốt, gần như không có hàng tồn kho, không có nợ xấu…”, tâm thư của vị Chủ tịch chia sẻ.

Xét về kết quả sản xuất kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, DGC ghi nhận doanh thu đạt gần 3.700 tỷ đồng, tăng 75,5% so với cùng kỳ; giá vốn bán hàng tăng thấp hơn với 40% so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp về bán hàng tăng tới 157% lên 1.646 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính cũng tăng mạnh 255% lên 143,6 tỷ đồng; trong khi đó chi phí cho hoạt động này đạt gần 15 tỷ đồng. Chi phí bán hàng đạt 145 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt gần 34 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 11,4% so với cùng kỳ. Kết quả, quý III/2022, DGC báo lãi lớn với hơn 1.513 tỷ đồng, tăng 210% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, DGC ghi nhận 11.333 tỷ đồng doanh thu, tăng 86% và lợi nhuận sau thuế đạt 4.917 tỷ đồng, tăng 342% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 4.535 tỷ đồng. Với kết quả này, DGC đã thực hiện được 93% mục tiêu doanh thu và 140% mục tiêu lợi nhuận năm.

Giải trình về kết quả này, doanh nghiệp cho biết, doanh thu 9 tháng tăng do lượng sản xuất tăng, cùng với đó, doanh thu các mặt hàng và giá bán tăng. Trong đó, doanh thu phốt pho vàng tăng 171%, doanh thu các mặt hàng phân bón tăng 32% và doanh thu WPA tăng 68%.

Tổng tài sản của DGC tính đến cuối quý III đạt 12.752 tỷ đồng, tăng gần 50%; trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 81% với 10.320 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm. Trữ tiền giảm 43% xuống hơn 65 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng gấp đôi lên 7.383 tỷ đồng, khoản này không được thuyết minh cụ thể trong báo cáo; phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 62,4% lên 1.023 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác cũng tăng tới 81% lên hơn 139 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 10,5% lên 1.532 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ phải trả giảm 19% xuống còn 1.777 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là nợ ngắn hạn; phải trả người bán ngắn hạn giảm 81% xuống 131 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp tăng 444% lên 212 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn tăng không đáng kể với 877 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng gấp 2,2 lần lên 3.798 tỷ đồng.

>>>Cổ phiếu DGC âm thầm vượt đỉnh khi thị trường điều chỉnh

nếu tình từ thời điểm giữa tháng 6/2022, cổ phiếu DGC đã giảm hơn 59%, từ vùng giá 134.700 đồng/cổ phiếu (ngày 17/6), xuống vùng giá 54.900 đồng/cổ phiếu (ngày 18/11).

Tính từ thời điểm giữa tháng 6/2022, cổ phiếu DGC đã giảm hơn 59%, từ vùng giá 134.700 đồng/cổ phiếu (ngày 17/6), xuống vùng giá 54.900 đồng/cổ phiếu (ngày 18/11).

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), khi nhận định về thị trường Phốt pho vàng trong năm 2023, Ban lãnh đạo DGC cho biết, trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra, nhu cầu điện tử có thể sụt giảm mạnh trong 2023. Cụ thể, nhiều nhà sản xuất chips và chất bán dẫn (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ) lên kế hoạch giảm sản lượng do lo ngại tồn kho lớn và rủi ro dư cung quý IV/2022-1H2023. DGC dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023. Giá bán dự kiến neo ở 4.500 – 6.000 USD/tấn, giảm 10-30% so với 2022.

Bên cạnh đó, Dự án Nghi Sơn chậm tiến độ so với dự kiến. Theo đó, dự kiến chậm nhất tháng 6/2023 sẽ khởi công giai đoạn 1 và tầm một năm sau sẽ đi vào hoạt động. Sản lượng sản xuất giai đoạn 1 của Nghi Sơn ~ 50 nghìn tấn PVC. Nguồn vốn cho dự án Nghi Sơn chủ yếu đến từ vốn tự có khi DGC gần 8.000 tỷ tiền gửi tiết kiệm. Ban lãnh đạo DGC cho biết, Công ty đang cân nhắc có nên sử dụng hợp đồng vay với HSBC (vay USD) hay không trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang neo ở mức cao.

DGC đã khai thác khai trường 25 với trữ lượng 3,6 triệu tấn quặng trong vòng 6 năm, ước tính trữ lương khai thác tầm 600 nghìn tấn/năm. Khai trường này giúp DGC tự chủ 50% nguyên liệu đầu vào trong 2022, ước tính tiết kiệm 50-60% chi phí mua quặng. Ngoài ra, Công ty cũng có kế hoạch nâng mức tự chủ nguyên liệu đầu vào từ 70-80% trong thời gian tới.

Công ty dự kiến sẽ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu LCD (axit photphoric cấp điện tử) sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc trong năm 2023, bù đắp cho lượng xuất khẩu P4 giảm. Ban lãnh đạo công ty cho biết các khách hàng mua LCD đều kiểm định chất lượng hàng hóa khi nhập hàng vì vậy Công ty chú trọng đến chất lượng chế biến sâu mặt hàng này (biên lãi gộp cao LCD hơn phốt pho vàng).

Do nhu cầu tiêu thụ phân bón nội địa đang ở mức thấp, DGC chủ động đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang các quốc gia ASEAN, Indonesia, Philipines, Ấn Độ, Bangladesh do nguồn cung phân bón thế giới vẫn kém do Nga & Trung Quốc - hai quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới áp hạn ngạch xuất khẩu các loại phân bón quan trọng như Urea, DAP, MAP, NPK. Năm 2023, Nhà máy NPK của DGC sẽ đi vào hoạt động 2023, dự kiến khai thác 10.000 tấn/năm.

Từ những dữ liệu trên, BVSC dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DGC cho năm 2022 lần lượt đạt mức 14.911 tỷ đồng (+56,5% YoY) và 6.275 tỷ (+150%YoY), động lực tăng trưởng đến từ Phốt pho & các sản phẩm có gốc phốt pho. Trong đó, Phốt pho vàng (P4), acid trích ly WPA, phân bón có mức tăng trưởng doanh thu ước tính khoảng 114%, 53% và 27% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, BVSC cũng tỏ ra quan ngại về những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt trong 2023 khiến kết quả kinh doanh khó bức phát mạnh mẽ: (1) Mảng phốt pho vàng (đóng góp hơn 50% tổng doanh thu) có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm do suy thoái kinh tế đang diễn ra, nhu cầu điện tử có thể sụt giảm mạnh trong 2023. Công ty dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023. Giá bán dự kiến neo ở 4.500 – 6.000 USD/tấn, giảm 10-30% so với 2022; (2) Dự án Nghi Sơn đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch; và (3) Giá phân bón khó tăng mạnh do tồn kho từ nửa đầu năm, nông dân lo ngại mở rộng diện tích canh tác khi chi phí trồng trọt tăng và giá nông sản có xu hướng quay đầu giảm trong bối cảnh lạm phát kéo dài và khủng hoảng năng lượng. Với những thách thức nêu trên, BVSC nhận định giá cổ phiếu DGC khó tăng mạnh trong ngắn hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Hóa chất Đức Giang - DGC thăng hoa, Vinachem “chốt lời” nghìn tỷ

    Hóa chất Đức Giang - DGC thăng hoa, Vinachem “chốt lời” nghìn tỷ

    11:02, 14/10/2021

  • Hóa chất Đức Giang bị xử phạt 120 triệu đồng

    Hóa chất Đức Giang bị xử phạt 120 triệu đồng

    15:21, 28/05/2021

  • Chuyện chưa kể về người kế nghiệp ở Hóa chất Đức Giang

    Chuyện chưa kể về người kế nghiệp ở Hóa chất Đức Giang

    03:00, 19/02/2021

  • Cổ phiếu DGC âm thầm vượt đỉnh khi thị trường điều chỉnh

    Cổ phiếu DGC âm thầm vượt đỉnh khi thị trường điều chỉnh

    05:05, 18/04/2022

  • Vì sao DGC trở thành cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán?

    Vì sao DGC trở thành cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán?

    13:00, 15/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Chủ tịch DGC phải chi hàng chục tỷ đồng đỡ giá cổ phiếu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO