Bất động sản

Vì sao doanh nghiệp bất động sản đua nhau “lùng” quỹ đất?

VI ANH 07/08/2024 04:00

Việc ba luật mới có hiệu lực sẽ tạo khung pháp lý mới song có thể đẩy giá đất tăng cao khiến các doanh nghiệp địa ốc tích cực gom đất.

Ảnh chụp Màn hình 2024-08-06 lúc 15.15.54
Các doanh nghiệp địa ốc "đua" gom quỹ đất để phát triển dự án. Ảnh:DH

Tích cực thu gom quỹ đất

Công ty CP Tập Đoàn Danh Khôi dự kiến chi 195 tỷ đồng để mua một phần khu dân cư Đại Nam tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; dành 180 tỷ đồng để mua một phần dự án tại khu dân cư tiểu thủ công nghiệp thương mại dịch vụ Hàm Thắng - Hàm Liêm, tỉnh Bình Thuận.

Hay như Công ty CP Tập đoàn Nam Long có kế hoạch sẽ tăng dần quỹ đất dài hạn cho sản phẩm tầm trung thông qua mua bán - sáp nhập và phát triển đất thô. Đồng thời, doanh nghiệp này tiếp tục tập trung triển khai một số dự như Mizuki Park, Waterpoint giai đoạn 1, Akari City, EHome Southgate…

Trong tháng 10/2024, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt sẽ giới thiệu dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 2 (TP. Thuận An, Bình Dương).

Bên cạnh đó, nhiều “ông lớn” địa ốc như DIC Holdings, Hà Đô, Ecopark, Vinhomes, Phú Mỹ Hưng... cũng tích cực "thâu tóm" đất từ 50 - 150 ha tại một số khu vực Lâm Đồng, Long An, Hải Phòng, Bình Thuận để phục vụ hoạt động kinh doanh giai đoạn tới.

Các chuyên gia cho rằng, việc ba bộ luật có hiệu lực sớm mang theo kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc pháp lý là bàn đẩy giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nhiều dự án mới.

hi.jpg
Việc ba luật có hiệu lực sớm là bàn đẩy giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nhiều dự án mới. Ảnh:VA

Theo chia sẻ của ông Phạm Anh Khôi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Đất Xanh Services (DXS-FERI), những doanh nghiệp bất động sản nào đã vượt qua được giai đoạn khó khăn vừa qua đã chứng tỏ được tiềm lực và họ đang sẵn sàng quay trở lại phát triển theo hướng cẩn trọng và bền vững. Do đó, cơ hội vẫn rộng mở cho những doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng nắm bắt thời cơ.

Thị trường phục hồi rõ nét từ quý 4

Vị chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản sẽ chứng kiến đà phục hồi rõ nét từ cuối quý 3 đến đầu quý 4/2024. Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu từng bước giải quyết “nút thắt” còn tồn tại trước thời điểm các bộ luật có hiệu lực cùng cơ quan quản lý Nhà nước.

Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng việc “chạy đua” thâu tóm quỹ đất lớn cũng nằm trong kế hoạch trước khi có bảng giá mới áp dụng từ 2026. Theo đó, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8 sẽ dùng bảng giá đất (thay khung giá đất cũ) xây dựng hằng năm, dự kiến áp dụng trên cả nước từ ngày 1/1/2026.

Trước thông tin trên, nhiều chuyên gia đánh giá, nguyên tắc định giá đất theo thị trường sẽ khiến bảng giá mới tăng cao, do thực tế giá đất quy định của Nhà nước trước đây bị bỏ lại rất xa so với thực tế. Cụ thể, dự thảo bảng giá điều chỉnh mới đây của TP.HCM cho thấy giá đất tại nhiều khu vực tăng trung bình 5 - 10 lần, thậm chí là 15 - 50 lần so với hiện tại, khiến nhiều lo ngại về giá bất động sản sẽ tăng theo.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận, bảng giá đất tăng sẽ lập tức tác động đến thị trường bất động sản và giá nhà ở sẽ tăng theo.

Qua phân tích của ông Châu, do giá nhà được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có giá đất nên tiền sử dụng đất cũng là một căn cứ để chủ đầu tư quy định giá bán. Thông thường, chi phí này chiếm khoảng 10% giá thành căn hộ tại các dự án chung cư và từ 30 - 50% cho loại hình nhà phố và biệt thự.

Với bảng giá đất mới, nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình để xin cấp giấy chứng nhận đối với đất ở sẽ tăng lên cao. Đồng thời, sẽ tác động trực tiếp đến thị trường khi chi phí đầu vào như bồi thường, giải phóng mặt bằng gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao doanh nghiệp bất động sản đua nhau “lùng” quỹ đất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO