Vì sao doanh nghiệp Việt ngại tiếp cận với công nghệ điện toán đám mây?

Nguyễn Long 12/03/2018 13:05

Theo ông Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Trung Tâm Kỹ Thuật Dịch Vụ CMC Service, đang có rất nhiều rào cản trong việc thúc đẩy công nghệ đám mây tại Việt Nam, trong đó một rào cản lớn chính là sự lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin.

Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Trung Tâm Kỹ Thuật Dịch Vụ CMC Service

Ông Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật dịch vụ CMC Service

- Mới đây Liên minh phần mềm (BSA) công bố báo cáo về “Thẻ điểm Điện toán đám mây Toàn cầu 2018” thì Việt Nam hiện nay đang đứng cuối bảng. Điều này cho thấy chính sách điện toán đám mây của Việt Nam vẫn chưa tương xứng. Ông có bình luận gì về điều này?

Thẻ điểm là công cụ giúp các quốc gia tự đánh giá các chính sách của mình theo hướng xây dựng để xác định những bước tiếp theo nhằm tăng cường chấp nhận công nghệ điện toán đám mây. Hiện nay ở Việt Nam các tập đoàn lớn như Viettel, CMC hay FPT đều đang tập trung nguồn lực để xây dựng các trung tâm dữ liệu Cloud cho riêng mình, không chỉ mong muốn phục vụ cho nội bộ mà các tập đoàn này đều có xu hướng thương mại hóa các hạ tầng cloud theo dạng bán dịch vụ all in one.

Qua quá trình làm việc với nhiều đơn vị, tổ chức, tôi nhận thấy hiện các doanh nghiệp nhà nước và rất nhiều doanh nghiệp SME ở Việt Nam chưa thực sự nhận thức rõ được những điểm thuận lợi khi sử dụng hạ tầng điện toán đám mây (Cloud Computing). Ngoài sự lựa chọn đảm bảo tính bảo mật, khả năng mở rộng và tiết kiệm chi phí thì Cloud Computing còn mang tới sự tiệp cận nhanh chóng của doanh nghiệp và kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0 khi mà sự chia sẻ dữ liệu và thông tin được trong suốt với người dùng Internet.

- Đang có rất nhiều rào cản trong việc thúc đẩy công nghệ đám mây tại Việt Nam, trong đó một rào cản lớn chính là sự lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, thưa ông?

Điện toán đám mây là công nghệ sử dụng hàng loạt máy chủ được kết nối lại để tạo thành tài nguyên dùng chung, trên nền tảng của mạng internet. Do bản chất là không phụ thuộc vào một máy chủ vật lý riêng biệt nào nên điện toán đám mây cũng tránh được những hạn chế của máy chủ vật lý: hỏng hóc về phần cứng, mất điện, không có bản sao lưu (backup) hay bị tấn công. Các dữ liệu được lưu trữ trên máy chủ đám mây luôn được sao lưu liên tục, do vậy hạn chế những rủi ro đối với máy chủ đơn lẻ như hỏng ổ cứng, thiên tai, virus ...

Rào cản lớn nhất đối với điện toán đám mây có lẽ là khái niệm khó định nghĩa. Từ “đám mây” nghe rất xa vời và khó hình dung: máy chủ đám mây là đặt ở đâu, lưu dữ liệu lên mây là lưu chỗ nào? Sự mơ hồ đó dẫn đến sự lo ngại về vấn đề bảo mật. Những người chủ doanh nghiệp không biết liệu những gì lưu trữ trên máy chủ đám mây có an toàn hay không, có dễ bị đánh cắp hay không.

Các doanh nghiệp Việt Nam thường có quan niệm "để tiền trong nhà thì an toàn hơn để tại ngân hàng". Kỳ thực đây là 2 phạm trù về tính tương đối, khi mà kỷ nguyên của chất lượng dịch vụ lên ngôi thì việc một tổ chức có thể đảm bảo chất lượng dịch vụ cho bạn cũng là lúc họ đã sẵn sàng đầu tư rất lớn và cũng là lúc họ đánh giá được chất lượng dịch vụ SLA của họ cung cấp cho khách hàng sao cho phù hợp nhất và thỏa mãn nhất.

Sự linh hoạt, dễ sử dụng của máy chủ đám mây cũng vượt trội so với các máy chủ thông thường. Với những dịch vụ của nhà cung cấp uy tín như CMC, FPT hay Viettel, khách hàng chỉ mất chưa đến 1 phút để khởi tạo hoặc dừng server. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể điều chỉnh cấu hình hệ thống một cách linh hoạt dựa theo nhu cầu sử dụng và như vậy về mặt chi phí là hiệu quả hơn nhiều so với hình thức thuê máy chủ thông thường...Tuy nhiên có thể chính vì sự quá mềm dẻo trong việc triển khai một hệ thống máy chủ trên Cloud cũng dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực trong một số tầng quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam.

- Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để doanh nghiệp hiểu hơn về hiệu quả mà điện toán đám mây đem lại?

Kỷ nguyên ngành công nghiệp 4.0 là kỷ nguyên của ngành dịch vụ, bản chất của dịch vụ cloud computing là mang tới sự tiện lợi hơn, bảo mật hơn, dễ dàng điều hành doanh nghiệp hơn; tuy nhiên cần phải có một kênh truyền thông rộng rãi tới mọi ngóc ngách của xã hội về tư duy dịch vụ nói chung và điện toán đám mây nói riêng.

Ngành dịch vụ IT Outsourcing (Gia công phần mềm) đã và đang phát triển rất mạnh ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo thống kê của CMC Services, ngành dịch vụ chiếm hơn 40% của GDP và ngành dịch vụ Outsourcing CNTT cũng chiếm thị phần rất lớn, nhất là các mảng ngân hàng, tài chính và các doanh nghiệp có quy mô nhiều chuỗi cửa hàng văn phòng đại diện tại các tỉnh. Việc tập trung hạ tầng CNTT lên Cloud và sử dụng dịch vụ IT Outsourcing làm giảm chi phí cho doanh nghiệp và tăng tính hiệu quả trong quản trị.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao doanh nghiệp Việt ngại tiếp cận với công nghệ điện toán đám mây?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO