Nhiều chuyên gia cho rằng các quốc gia Đông Nam Á phải nhận ra rằng, các công ty công nghệ lớn cũng đang làm thay đổi cán cân quyền lực trên trường quốc tế.
Các Bộ trưởng Ngoại giao của các quốc gia ASEAN đã gặp gỡ những người đồng cấp từ 17 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác để thảo luận về một loạt các thách thức chiến lược.
Đối với các quốc gia lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á là khu vực để thể hiện tầm ảnh hưởng. Điều này thể hiện trong đề xuất Nga với Trung Quốc rằng hai nước cần hợp tác để ứng phó với sự can thiệp của các thế lực bên ngoài Đông Nam Á.
Đồng thời, Mỹ đảm bảo rằng ASEANnằm ở trung tâm của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington thông qua những đóng góp tích cực cho khu vực.
Tuy nhiên, bà Elina Noor, thành viên cấp cao của Chương trình Châu Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định, việc ASEAN và các quốc gia thành viên tách biệt chính trị quốc tế phức tạp khiến Đông Nam Á có nguy cơ đối mặt 3 vấn đề lớn: sự mở rộng trong việc diễn giải các yếu tố an ninh quốc gia liên quan đến các mối quan tâm của doanh nghiệp; vai trò của các công ty công nghệ lớn trong sự kết hợp này và nguy cơ liên minh địa chính trị thông qua sự phụ thuộc vào công nghệ.
Là một phần của sáng kiến Mạng lưới sạch của chính quyền Trump, các quốc gia trong khu vực khi lên kế hoạch triển khai mạng 5G vài năm trước đã nhận được cả những khuyến nghị và cảnh báo từ Mỹ về việc lựa chọn Huawei làm nhà cung cấp mạng chính.
Trong quá khứ, các công ty Mỹ, Trung Quốc và các nước khác từng thành lập các liên doanh để tài trợ vốn cho việc xây dựng cáp ngầm dưới biển băng qua khu vực này, nhưng sự hợp tác như vậy đang ngày càng trở nên hiếm hoi khi Washington không chỉ tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào Bắc Kinh mà còn muốn giành lợi thế trong một số trường hợp.
Một cuộc điều tra của Reuters từ tháng 3 năm ngoái đã phát hiện ra chính phủ Mỹ đã can thiệp vào ít nhất thỏa thuận cáp ngầm dưới biển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Các công ty như Google và Meta ký kết các thỏa thuận an ninh quốc gia với một số quốc gia, như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore khi lắp đặt cáp ngầm xuyên Thái Bình Dương.
Các công ty này đã chi rất nhiều tiền vào Đông Nam Á trong những năm qua. Microsoft gần đây đã công bố khoản đầu tư trị giá khoảng 4 tỷ đô la Mỹ vào trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây ở Indonesia và Malaysia, trong khi Google đã cam kết đầu tư 2 tỷ đô la Mỹ tại Malaysia.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, cần đặt ra những câu hỏi về ảnh hưởng quá mức đến việc hoạch định chính sách, sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và tác động của mối liên hệ Washington-Thung lũng Silicon đối với Đông Nam Á nếu vai trò của khu vực muốn được thực hiện một cách có ý nghĩa.
Chuyên gia Elina Noor cho rằng, Đông Nam Á cần chuẩn bị cho sự thay đổi lãnh đạo tại Hoa Kỳ, sự ủng hộ từ Thung lũng Silicon có thể mang đến một số thông tin về hướng đi chiến lược của các công ty công nghệ lớn trong tương lai.
Cụ thể, Giám đốc điều hành SpaceX và Tesla Elon Musk đã ủng hộ cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cũng như các nhà đầu tư mạo hiểm có ảnh hưởng như Joe Lonsdale. Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris đã thu hút được sự ủng hộ của những người có ảnh hưởng lớn như cựu Giám đốc điều hành Meta Sheryl Sandberg, đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và Chủ tịch điều hành Netflix Reed Hastings.
Ngày nay, không chỉ các quốc gia mà cả các tập đoàn lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, đang làm thay đổi cán cân quyền lực trên trường quốc tế.
"Đối với Đông Nam Á, việc nhận ra thực tế này sẽ mang đến cơ sở để thực hiện một cách tiếp cận toàn diện hơn, liên ngành và dài hạn hơn để hợp tác với các đối tác bên ngoài", chuyên gia này nhấn mạnh.