Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam còn chậm, cải cách chưa thực sự mạnh mẽ trong khi nhiều nền kinh tế khác cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn.
Tại phiên họp Chính phủ vừa diễn ra ngày 5/11 Tổ công tác của Thủ tướng báo cáo cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là về thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh của chúng ta còn chậm
Trong tháng 10, Tổ công tác đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội; làm việc với các Bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để thống nhất, đề xuất xử lý vấn đề chồng chéo, bất cập trong công tác hoạt động kiểm tra chuyên ngành; làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về đánh giá kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh 2020 của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, việc rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đã đạt, vượt chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (đã cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, đạt 68,2%). Điều này đánh dấu một bước cải cách mạnh mẽ của các Bộ, cơ quan trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm công tác hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, chưa thực sự cải cách trong khâu thực thi. Còn nhiều quy định, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rườm rà, phức tạp, chưa đảm bảo thống nhất “một cửa”, một đầu mối, chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…
Theo kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh 2020 do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/10/2019, Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8) nhưng giảm 01 bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống 70/190 quốc gia, nền kinh tế). Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giảm bậc (mỗi năm giảm 01 bậc).
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh của chúng ta còn chậm, cải cách chưa thực sự mạnh mẽ, dẫn đến số điểm tăng chưa nhiều, những chỉ số nêu trên vẫn bị giảm bậc, trong khi nhiều nền kinh tế khác cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn.
Cụ thể là, trong 10 chỉ số thành phần thì có 05 chỉ số tăng điểm, 04 chỉ số giữ nguyên điểm và 01 chỉ số giảm điểm; có 02 chỉ số được ghi nhận cải cách về quy định và thực thi; có 2/5 chỉ số tăng điểm có sự tăng bậc, 3/5 chỉ số còn lại tăng điểm nhẹ (Khởi sự kinh doanh, Cấp phép xây dựng và Tiếp cận điện năng: tăng 0,3 điểm) nhưng giữ nguyên hoặc giảm bậc.
“Có thể thấy rằng, những nỗ lực cải cách của chúng ta trong thời qua là chưa đủ”, Báo cáo của Tổ công tác chỉ rõ.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành đánh giá nguyên nhân
Tổ công tác kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đánh giá nguyên nhân giảm bậc và chịu trách nhiệm cải thiện từng chỉ số thành phần. Tổ công tác tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện Môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh cải thiện Môi trường kinh doanh; báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
15:00, 24/10/2019
21:01, 06/09/2019
16:19, 28/06/2019
Kết luận phiên họp, một trong những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là việc cải cách môi trường kinh doanh chậm, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Trong đó, cần lưu ý các chỉ số khởi sự kinh doanh, chỉ số cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, bảo vệ nhà đầu tư, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết tranh chấp.
“Nếu môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta chững lại trong khi các nước trong khu vực tăng tốc, thì các bộ, ngành, địa phương phải chú ý cái này”, Thủ tướng nhắc nhở, nhất là tư tưởng cuối nhiệm kỳ, tư tưởng sợ trách nhiệm, ngại khó, không xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra của phát triển thì sự chậm trễ, trì trệ ấy làm cho môi trường kinh doanh chuyển biến chậm.