Theo nhiều chuyên gia, để cân bằng tầm ảnh hưởng với Trung Quốc, Mỹ cần phải nghiêm túc xem xét việc thiết lập các chính sách dành cho Đông Nam Á.
Đông Nam Á, một khu vực quan trọng trong sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hiếm khi được ưu tiên trong các vòng tròn chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều này cần phải thay đổi nếu sự cạnh tranh với Trung Quốc vẫn là "kim chỉ nam" trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Các cuộc điện đàm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio với Philippines, Indonesia và Việt Nam đã cải thiện bầu không khí, nhưng Mỹ có thể và nên làm nhiều hơn nữa để ưu tiên và "thiết lập lại" chính sách trong khu vực.
Là điểm giao thoa địa lý giữa hai bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Đông Nam Á là một khu vực ngày càng quan trọng, đặc biệt là đối với hoạt động sản xuất đang dần mở rộng ra khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Lucas Myers, cộng sự cấp cao phụ trách khu vực Đông Nam Á của Chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Wilson, Washington thường không ưu tiên khu vực Đông Nam Á, khu vực này thường được xếp sau Trung Đông và Châu Âu.
Về mặt kinh tế, Mỹ là nhà cung cấp đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất cho Đông Nam Á, nhưng thực tế là Bắc Kinh đã vượt qua Washington trong thập kỷ qua. Tổng giá trị thương mại của Mỹ với khu vực này đạt 499,5 tỷ USD vào năm 2023, trong khi giá trị thương mại của Trung Quốc với Đông Nam Á đạt 702 tỷ USD.
Khoảng cách này có thể sẽ ngày càng lớn hơn khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang được thực hiện có hiệu quả. Trong khi đó, Mỹ hiện không có một đề xuất đối trọng đáng kể nào với RCEP trên bàn đàm phán.
Về mặt an ninh quốc gia, Washington dường như có lý do để cảm thấy an toàn ở Đông Nam Á, đặc biệt là khi quan hệ với Philippines đang cải thiện. Nhưng hiện các quốc gia Đông Nam Á đang đứng giữa các cường quốc. Và Washington nên tìm cách để hầu hết các bên trong khu vực sẽ giữ thái độ trung lập trong một cuộc xung đột với Trung Quốc.
Bằng cách làm sâu sắc thêm các mối quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh, Trung Quốc đang nỗ lực ràng buộc các quốc gia trong khu vực và hạn chế các lựa chọn chính sách đối ngoại của các nước.
Ông Myers chỉ ra, chiến lược của Bắc Kinh có thể được mô tả rằng việc tạo ra một "hố trọng lực", trong đó quy mô và sự thống trị của nền kinh tế, cùng với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng, dần dần và vững chắc kéo khu vực vào quỹ đạo của mình.
"Do đó, khu vực này, dù muốn hay không, có thể sẽ chọn Trung Quốc chỉ vì sự thiếu hành động từ phía Mỹ", chuyên gia này nhận định. Năm 2024, một cuộc khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak về ý kiến của giới tinh hoa ở ASEAN cho thấy 50,5% sẽ chọn Trung Quốc nếu buộc phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh.
Đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình mong muốn phát triển, các ưu đãi về đầu tư, thương mại và hợp tác an ninh của Trung Quốc là điều khó có thể bỏ qua. Một khi đã phụ thuộc vào Bắc Kinh, việc thoát khỏi sức hấp dẫn của quốc gia này còn khó khăn hơn nữa.
Nếu nghiêm túc tập trung các nguồn lực của Mỹ vào việc gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì chính quyền Trump phải nhanh chóng thiết lập lại chính sách tại Đông Nam Á, dành cho khu vực này sự chú ý chiến lược.
Theo nhiều chuyên gia, nếu Mỹ không nhanh chóng hành động, thì có nguy cơ trở thành một bên không liên quan ở một trong những khu vực kinh tế quan trọng của thế giới, làm suy yếu an ninh của Mỹ và cho phép Trung Quốc khẳng định lợi ích của mình.