Ông Trần Thanh Hải rời khỏi vị trí Tổng giám đốc be Group từ ngày 24/12. Vị này hiện chỉ giữ vai trò cố vấn chiến lược.
Cách đây hơn 3 tháng, ông Trần Thanh Hải, CEO của beGroup còn đăng đàn tuyên bố đầy hứng khởi về việc xây dựng be thành một đế chế hùng mạnh nhằm ghi tên Việt Nam lên bản đồ khu vực trong lĩnh vực siêu ứng dụng. Tuy nhiên, hiện ông Trần Thanh Hải đã không còn là CEO của beGroup. Nguyên nhân được giải thích là lý do cá nhân.
Dựa vào chuyên môn công nghệ của mình, không thể phủ nhận công sức của vị CEO này đã đưa be nhanh chóng lên vị trí thứ 2 trên thị trường chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Khi mới ra mắt, trước câu hỏi của báo giới về việc thị trường gọi xe công nghệ được coi là “đốt tiền”, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính lớn, ông Trần Thanh Hải cho biết hãng có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, huy động từ cổ đông, vốn tự có.
Mặc dù từng tuyên bố là "be sẽ không đốt tiền vì tiền kiếm được rất khó" nhưng phải chăng lý do của sự ra đi này là do be đã bội chi quá nhiều và quá nhanh trong một thời gian ngắn nên nhóm các nhà đầu tư tài chính cho be đến từ VPBank đã quyết định ngưng rót tiền? Ông Hải cũng đã rất nỗ lực nhưng không tìm được nguồn tiền mới?
Có thể bạn quan tâm
17:47, 05/08/2019
18:00, 10/07/2019
Theo một chuyên gia trong thị trường này, các app thường sẽ tiêu tốn khoảng 1 USD cho mỗi giao dịch. Hiện Grab đang khống chế chi phí loanh quanh con số này nhưng là sau một thời gian rất dài gồng mình. Để tăng tốc, be phải tiêu tốn con số nhiều hơn định mức trên gấp 2-3 lần. Chưa kể chi phí cố định như mặt bằng, nhân viên, hạ tầng…
Ông Trần Thanh Hải là một tên tuổi lớn trong làng khởi nghiệp công nghệ, là thành viên sáng lập của kỳ lân VNG.
Sau đó, ông tạo dựng một doanh nghiệp cũng rất tên tuổi – HDViet – chuyên để xem phim online. Dựa vào năng lực chuyên môn trong lĩnh vực phim online, HDViet sau đó được Galaxy âm thầm thâu tóm để góp sức cho Fim+ tuy nhiên ông Hải và Galaxy duyên không bền, chỉ làm việc với nhau một thời gian ngắn rồi cũng dứt áo ra đi.
Về thân thế, ông Trần Thanh Hải có mẹ là người thuộc Hoàng gia Campuchia. Ông Hải là cháu trai của Hoàng thân Norodom Sihanouk. Năm 2011, ông Hải kết hôn với cựu siêu mẫu Vũ Thu Phương.
Khác với những ứng dụng gọi xe khác, be đăng ký là công ty vận tải ứng dụng công nghệ chứ không phải công ty công nghệ.
Được biết, ông Trần Thanh Hải sẽ tiếp tục giữ vai trò cố vấn chiến lược cho Hội đồng quản trị. Hiện tại, bà Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc vận hành, sẽ giữ vị trí quyền Tổng giám đốc be Group từ ngày 24/12.
Bà Nguyễn Hoàng Phương cùng với ông Trần Thanh Hải đều là những thành viên sáng lập của ứng dụng gọi xe be.
Sau khi ông Hải nghỉ việc, ban lãnh đạọ be Group cam kết các chiến lược phát triển của công ty sẽ tiếp tục được duy trì và triển khai trong thời gian sắp tới.
Cách đây khoảng 1 năm, ngày 17/12/2018, be Group ra mắt ứng dụng gọi xe công nghệ tương tự như Grab, Go-Viet. Ứng dụng này có 2 dịch vụ chính là BeBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh) và BeCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh).
Hiện tại, be đã có mặt tại 8 tỉnh thành với 4 dịch vụ là beBike, beCar, beDelivery/beExpress và Liên tỉnh. Mới đây vừa ra mắt thêm beLoyalty.
Theo ABI Research tại Việt Nam, ứng dụng be sở hữu 60.000 tài xế, được tải xuống 5,5 triệu thiết bị di động và hoàn thành 38 triệu chuyến xe beBike, beCar với hơn 350.000 lượt yêu cầu mỗi ngày.
Đảm nhận 'ghế nóng' CEO các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam là những người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty công nghệ và doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, lần lượt những vị lãnh đạo này lại lần lượt "rời vị trí".
Hồi cuối tháng 9, bà Lê Diệp Kiều Trang cũng rời vị trí Tổng giám đốc Go-Viet chỉ sau 5 tháng đảm nhiệm. Vị trí này hiện bỏ trống.
Thị phần gọi xe công nghệ ở Việt Nam đang chủ yếu thuộc về Grab với khoảng 70%. Xếp thứ hai là be với 16%. GoViet và FastGo lần lượt xếp sau với 10% và 1%.