Vì sao PCI ĐBSCL cao - thu hút đầu tư thấp?

Huỳnh Khởi 21/04/2019 03:32

Đó là điều băn khoăn nhất được đặt ra tại Hội nghị phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khu vực ĐBSCL năm 2018 vừa diễn ra tại tỉnh Bến Tre.

Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho biết: Kết quả PCI 2018, một lần nữa ĐBSCL tiếp tục là vùng được đánh giá cao nhất trong 6 vùng kinh tế cả nước với 64,31 điểm, tăng 0,91 điểm, nổi bật có 3 tỉnh đứng trong nhóm dẫn đầu, 4 tỉnh tỉnh trong top 10.

p/Sự thay đổi hạ tầng giao thông, logistics của ĐBSCL còn hạn chế, là một trong những trở ngại cho thu hút đầu tư vào các địa phương trong vùng.p/(Nước sông dâng ngập quốc lộ ở Ngã Bảy, Hậu Giang. Ảnh: Việt Tường)

Sự thay đổi hạ tầng giao thông, logistics của ĐBSCL còn hạn chế, là một trong những trở ngại cho thu hút đầu tư vào các địa phương trong vùng. (Nước sông dâng ngập quốc lộ ở Ngã Bảy, Hậu Giang. Ảnh: Việt Tường)

Tuy nhiên, theo ông Lam, bên cạnh mặt tích cực thì PCI của khu vực đã bộc lộ không ít hạn chế. Đó là, những điểm mạnh có xu hướng giảm đi như chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, thiết chế pháp lý. Ngoài ra, tỷ lệ mất cấp tài sản của doanh nghiệp rất cao, doanh nghiệp truy cập vào website của UBND địa phương thấp…

Nhìn vào tổng vốn FDI của khu vực ĐBSCL đến nay chỉ đạt 21,5 tỷ USD, có thể thấy, con số này chỉ hơn Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc. Đáng lưu ý, thu hút FDI của 13 tỉnh thành trong vùng trong năm 2018 chưa bằng một tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Xuất khẩu chỉ mới bằng tỉnh Đồng Nai và chỉ bằng ½ các tỉnh Duyên hải và miền núi Bắc Bộ. Tuy phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh nhưng đa phần doanh nghiệp trong vùng có quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Ông Lam nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của cao nhất theo tinh thần Nghị quyết Chính phủ về thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cuộc khảo sát PCI của VCCI là thúc đẩy đầu tư kinh doanh, tạo môi trường làm ăn thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Thế nhưng, vì sao cuộc khảo sát PCI cho thấy, ĐBSCL luôn dẫn đầu cả nước về môi trường đầu tư kinh doanh nhưng thu hút đầu tư lại thuộc hàng thấp nhất.

Theo phân tích của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI: Trong thời gian qua, hạ tầng kinh tế kỹ thuật của vùng đã có sự cải thiện nhất định, chất lượng hạ tầng internet, điện, nước... được doanh nghiệp đánh giá rất tốt. Tuy nhiên, sự thay đổi hạ tầng giao thông, logistics trong vùng còn khiêm tốn, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đứng thứ 3/6 vùng, đào tạo lao động đứng cuối trong các vùng. “Đây là những điểm mà các tỉnh, thành trong vùng cần lưu ý cải thiện” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Được biết, để kích hoạt đầu tư kinh doanh trong khu vực ĐBSCL, VCCI Cần Thơ đang cùng một số địa phương xây dựng bộ chỉ số cải thiện năng lực cạnh tranh cấp huyện thị, sở ngành. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đào tạo doanh nhân, tham vấn chính sách để giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, tập trung nhiều hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.

Đặc biệt, VCCI Cần Thơ sẽ tiến hành thực hiện Báo cáo kinh tế ĐBSCL thường niên kể từ 2019 để đánh giá sự chuyển biến và những vấn đề nổi cộm nhất về KTXH của vùng qua các năm, làm tư liệu quan trọng trong kiến nghị về chính sách đối với Quốc hội và Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao PCI ĐBSCL cao - thu hút đầu tư thấp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO