Dự kiến 5 cửa ngõ sẽ đầu tư mở rộng, gồm: Quốc lộ 13, quốc lộ 1, quốc lộ 22, đường trục Bắc - Nam (đường Nguyễn Văn Linh - cao tốc Bến Lức - Long Thành), cầu đường Bình Tiên…
Áp dụng Nghị quyết 98 làm thí điểm
Đáng chú ý, đây là phương án xây dựng đường tốc độ nhanh trên quốc lộ 13, đoạn qua cửa ngõ TP, vừa được Sở Giao thông vận tải TPHCM công bố để lấy ý kiến góp ý.
Lý giải về sự cần thiết khi đầu tư dự án, Sở GTVT TPHCM, cho rằng 5 cửa ngõ này khi được đầu tư sẽ có nhiệm vụ kết nối với các trục cao tốc, đường vành đai thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giúp người dân TP và các tỉnh lân cận đi lại thuận tiện hơn.
Cụ thể, đoạn đường được thiết kế 10 làn xe (mỗi chiều 5 làn), trong đó có 4 làn trên cao (mỗi chiều 2 làn), kết nối trực tiếp với đoạn quốc lộ 6 - 8 làn xe đang được Bình Dương triển khai thi công.
Cũng theo Sở GTVT TP HCM, khi tuyến đường này hoàn thành, dòng xe từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên thông qua quốc lộ 13 khi qua cầu Vĩnh Bình đoạn tiếp giáp với TP HCM sẽ có các lựa chọn để đi tiếp, như:
Thứ nhất, xe sẽ đi vào đường song hành, được thiết kế 3 làn xe cho mỗi chiều. Đường song hành có mức phí rẻ hơn nhưng tốc độ sẽ chậm hơn vì phải qua khoảng 8 ngã ba và ngã tư mới đến được cầu Bình Triệu.
Thứ hai, nếu muốn đi nhanh, xe chạy vào làn tốc độ nhanh kết hợp với đoạn đi trên cao, được thiết kế 2 làn xe mỗi chiều.
Thứ ba, để tạo sự thông suốt vào tận trung tâm, TP đang nghiên cứu làm đường trên cao theo trục Xô Viết Nghệ Tĩnh - Đinh Bộ Lĩnh bằng nguồn vốn công nhằm kết nối dự án BOT quốc lộ 13 đến nút giao Hàng Xanh.
Về kế hoạch vốn, Sở GTVT cho rằng đường tốc độ nhanh trên trục quốc lộ 13 này có tổng mức vốn khoảng 19.953 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 73% so với tổng mức đầu tư. Do đó, để đảm bảo thời gian thu phí được rút ngắn, ngân sách sẽ góp vốn 70%, nhà đầu tư 30%. Các trạm thu phí sẽ không dùng barie mà xài công nghệ đa làn tự do, ô tô sẽ được trừ phí trong tài khoản giao thông theo lộ trình thực tế.
Bên cạnh đó, cần tìm cách làm mới, nghiên cứu phương án đẩy nhanh tiến độ, tìm 1 - 2 dự án thuận lợi làm trước, trong đó, áp dụng Nghị quyết 98 làm thí điểm để có thể khởi công ngay trong năm 2024. Và khi các dự án hoàn thành, không chỉ giúp người dân đi nhanh từ trung tâm về cửa ngõ phía Nam, mà còn giúp tăng cường liên kết vùng giữa TPHCM với các tỉnh ĐBSCL qua tuyến quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3 TPHCM và kết hợp chỉnh trang đô thị dọc tuyến đường nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tương tự, dự án BOT trục Bắc - Nam, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, dài khoảng 8,6km cũng được đề xuất làm trên cao với mức vốn gần 8.500 tỉ đồng.
Còn dự án nâng cấp quốc lộ 1 (đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) được mở rộng 10 - 12 làn xe với tổng mức đầu tư gần 16.000 tỉ đồng. Với quốc lộ 22 vốn đang quá tải sẽ được mở rộng lên 10 làn xe với mức vốn 8.810 tỉ đồng.
Nhà nước và tư nhân cùng làm
Liên quan tới nguồn vốn đầu tư các dự án, đại diện đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án cửa ngõ, cho rằng các tuyến đường tại 5 dự án cửa ngõ đều được bố trí các làn tốc độ cao. Về cơ cấu nguồn vốn, Nhà nước sẽ tham gia với tỉ lệ từ 50 - 70%, còn lại là huy động từ nhà đầu tư. Việc thu phí sẽ căn cứ theo quãng đường thực tế lưu thông, các cư dân sống dọc tuyến dự án sẽ được miễn giảm phí.
Mức giá vé sẽ áp dụng linh hoạt theo các nguyên tắc: xe đi đường trên cao có mức giá vé cao hơn khi chạy dưới thấp, thời gian đi vào giờ cao điểm sẽ có mức giá vé cao hơn giờ thấp điểm và ban đêm.
Nêu quan điểm về phương thức đầu tư theo hợp đồng BOT, ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM, cho rằng tình trạng ùn tắc các tuyến cửa ngõ những năm qua đã làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa. Việc mở rộng tuyến cao tốc và mở rộng các cửa ngõ chính là niềm mong mỏi của người dân cũng như các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, đối với phương án làm BOT trên các trục hiện hữu, TP cần tính toán thật kỹ phương án thu phí, làm sao tăng thêm phần vốn nhà nước vào dự án càng nhiều càng tốt để rút ngắn thời gian thu phí, góp phần giảm khó khăn cho các doanh nghiệp.
“Mạng lưới giao thông liên vùng nối TPHCM đang được triển khai mạnh mẽ để hoàn thành trong giai đoạn trước 2030. Trong đó, đường vành đai 3 TPHCM dự kiến hoàn thành cuối năm 2025 và đầu năm 2026. Khi hoàn thành, đường vành đai 3 sẽ kết hợp với cao tốc Bến Lức - Long Thành tạo nên một vòng tròn hoàn chỉnh kết nối TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Bên cạnh đó, 5 địa phương trong vùng Đông Nam bộ cũng đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể đường vành đai 4 TPHCM dài 207km theo hình thức BOT”, ông Quản nêu.
Đồng quan điểm, ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM, cho biết các dự án đường vành đai, cao tốc kết nối TPHCM với các vùng đã được thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ những năm gần đây. Khi các tuyến cao tốc, đường vành đai hoàn thành sẽ tạo ra bộ khung giao thông liên vùng, góp phần rút ngắn đi lại, tăng tốc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một số cửa ngõ của TP vẫn chưa thể mở rộng, như "một cục máu đông" chẹn mạch lưu thông.
Do vậy, ông Tính cho rằng, để đồng bộ với tiến trình đầu tư đường liên vùng, ngay từ bây giờ TPHCM cần phải quyết tâm đẩy nhanh các dự án mở rộng cửa ngõ, đường dẫn, nút giao và đường kết nối từ cao tốc vào đô thị. Nếu không, các điểm này có thể trở thành nút thắt cổ chai, gây ùn tắc và làm giảm hiệu quả của cao tốc, gây tốn kém chi phí và thời gian đi lại của người dân.
"Trong bối cảnh ngân sách đang cân đối làm các dự án lớn khác, việc áp dụng nghị quyết 98 để triển khai mở rộng các cửa ngõ theo hình thức Nhà nước và tư nhân cùng làm cũng là một trong những phương án khả thi. Hệ thống đường đi nhanh sẽ kết nối vào đường vành đai 2, đường vành đai 3 tạo thành các trục xuyên tâm, hướng tâm, kết nối khu công nghiệp, khu đô thị, nhà ga, bến cảng, sân bay... một cách thông suốt", ông Tính nói.