Do thực hiện không đúng quy trình cải tạo, sửa chữa trường học nên bị cắt vốn, cộng với áp lực doanh nghiệp đòi nợ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Gia Lai phải xin tỉnh 8,5 tỷ đồng để trả nợ…
Theo đó, ngày 21/9, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã làm tờ trình xin UBND tỉnh về việc xin cấp kinh phí để thanh toán các hợp đồng thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn năm 2019.
Cụ thể, Sở GD&ĐT tỉnh này đã đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính xem xét bố trí nguồn kinh phí 8,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để thanh toán cho các doanh nghiệp theo hợp đồng kinh tế đã thực hiện.
Theo tờ trình, năm 2019, Sở GD&ĐT được UBND tỉnh Gia Lai giao dự toán 22,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và đối ứng ngân sách địa phương để cải tạo, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị cho 12 trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn.
Đến cuối năm 2019, tất cả các gói thầu đều hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do Sở GD&ĐT thực hiện không đúng các quy trình, thủ tục nên nguồn kinh phí bị hủy dự toán 8,5 tỷ đồng, thu hồi về ngân sách Trung ương. Chính vì vậy, Sở GD&ĐT đến nay vẫn chưa thanh toán được cho các doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu được biết, sai phạm của Sở GD&ĐT Gia Lai thuộc các gói thầu của Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020. Các công trình này được Sở GD&ĐT tự ý thực hiện, không trình UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt danh mục theo quy định.
Do vậy, sau khi các công trình đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng, Sở GD&ĐT đã làm hồ sơ thanh, quyết toán nhưng bị Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai từ chối thanh toán, dẫn đến việc Sở này nợ các nhà thầu 8,5 tỷ đồng. Sau đó, các doanh nghiệp đã nhiều lần lên cơ quan Sở GD&ĐT đòi tiền nhưng vẫn chưa được.
Theo đó, để khắc phục hậu quả trên, Sở GD&ĐT đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT để xin cấp lại nguồn kinh phí bị thu hồi nhưng đến nay chưa được giải quyết. Nguyên nhân, do nguồn vốn được cấp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ dựa trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, hơn nữa kể hoạch ngân sách 2019 đã được quyết toán nên việc xin cấp lại là rất khó khăn.
Được biết, các sai phạm diễn ra trong giai đoạn năm 2018 – 2020, lúc bấy giờ ông Nguyễn Tư Sơn làm Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai. Cũng liên quan đến sai phạm này, Sở GD&ĐT đã kỷ luật cảnh cáo đồng thời điều chuyển ông Trương Quý Sửu, Trưởng phòng Kế hoạch và Tài chính xuống làm chuyên viên cấp phòng.
Theo một diễn biến khác trong thời gian gần đây, cũng liên quan tới một số gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư liên tục bị các nhà thầu kiến nghị bởi có những dấu hiệu tạo lợi thế cho đơn vị “thân hữu”.
Điển hình như tại gói thầu “Mua sắm thiết bị trợ giảng trong lớp và cổ động ngoài trời cho các trường THPT trực thuộc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai” mà Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh mới đây. Một số nhà thầu tham gia đã vô cùng bức xúc bởi theo họ, bên mời thầu đưa các tiêu chí yêu cầu, và tiêu chuẩn đánh giá E-HSMT không đúng với các quy định hiện hành, có dấu hiệu hạn chế nhà thầu tham gia. Theo đó, một số nhà thầu đã liên tục phải kiến nghị tới Cục quản lý đấu thầu, sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai.
Có thể bạn quan tâm