Dự án phát triển giao thông đô thị TP Hải Dương được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3/2022 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Dự án được đề nghị tạm dừng, chuyển sang giai đoạn 2026-2030.
>>>Hải Dương: Bứt tốc sản xuất công nghiệp
Dự án phát triển giao thông đô thị TP Hải Dương được UBND tỉnh Hải Dương đề xuất chủ trương đầu tư từ đầu năm 2017, sử dụng vốn vay từ Quỹ Phát triển quốc tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC (Quỹ OFID).
Nhu cầu cần thiết
Tại thời điểm đó, Hải Dương đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này với 2 hợp phần gồm phát triển giao thông đô thị và tái định cư. Trong đó việc đầu tư phát triển giao thông đô thị sẽ triển khai xây dựng 4 hạng mục gồm: xây dựng đường Phố Văn, phường Việt Hòa; xây dựng đường trục xã Thượng Đạt - An Châu; xây dựng đường trục phường Ái Quốc và xây dựng đường 62m kéo dài.
Theo UBND TP Hải Dương, do thời gian triển khai thủ tục đầu tư kéo dài, trong khi nhu cầu chỉnh trang đô thị của thành phố cấp bách nên thành phố đã triển khai thực hiện 4 hạng mục giao thông trên bằng nguồn vốn khác. UBND TP Hải Dương đã báo cáo UBND tỉnh đề xuất đầu tư xây dựng cầu vượt sông Thái Bình (cầu Bùi Thị Xuân) và các tuyến đường kết nối thay cho việc xây dựng 4 tuyến đường trên. UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án phát triển giao thông đô thị TP Hải Dương.
Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án phát triển giao thông đô thị TP Hải Dương bằng nguồn vay vốn Quỹ OFID. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.341 tỷ đồng (tương đương hơn 58 triệu USD). Trong đó vốn vay OFID hơn 31 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2025.
Dự án được phê duyệt gồm 3 hợp phần: Phát triển giao thông đô thị; bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và hỗ trợ đầu tư thực hiện. Đối với hợp phần phát triển giao thông đô thị, sẽ xây dựng cầu vượt sông Thái Bình tại vị trí cuối đường Bùi Thị Xuân sang phường Nam Đồng (cầu Bùi Thị Xuân). Chiều dài cầu hơn 1,1 km, bề rộng cầu 23 m. Xây dựng đường kết nối giữa cầu Bùi Thị Xuân với đường vành đai I, tuyến đường có tốc độ thiết kế 60 km/giờ, chiều dài hơn 1,6 km, mặt cắt nền đường 32 m và xây cầu (vượt sông Hương) với chiều dài 50 m, mặt cắt ngang 23 m. Tổ chức giao thông kết nối cầu với đường Bùi Thị Xuân và giao thông trong khu vực, trong đó thiết kế nút giao đảo xuyến…
Theo đánh giá của UBND TP Hải Dương, dự án này nhằm mở rộng không gian phát triển đô thị về phía đông của thành phố nói riêng và phía đông nam của tỉnh nói chung. Việc đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án sẽ góp phần quan trọng tăng tính kết nối giữa khu vực nội thị và ngoại thị, tạo mối quan hệ năng động, linh hoạt giữa các khu vực trong đô thị nhằm tạo động lực trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đồng thời góp phần hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I.
Đề nghị tạm dừng
Để thực hiện dự án này, tháng 5/2022, UBND tỉnh giao UBND TP Hải Dương làm chủ đầu tư. Theo Ban Quản lý dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP Hải Dương, thời gian vừa qua, UBND thành phố đã triển khai các bước, tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Bùi Thị Xuân, chọn được phương án kiến trúc “Tinh hoa Việt” của Công ty CP Tư vấn thiết kế đường bộ. Theo kế hoạch, thành phố dự kiến sẽ hoàn tất các bước đầu tư để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay dự án đang gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Phương án kiến trúc trúng tuyển được Hội đồng thi tuyển đề xuất làm phương án lập dự án đầu tư xây dựng có sự thay đổi về quy mô công trình (loại cầu, chiều dài, số nhịp…) so với báo cáo đề xuất chủ trương được duyệt (cầu đúc hẫng). Do đó, cần đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư. Ngoài ra, hiện nay chính sách lãi suất cho vay của nhà tài trợ có sự thay đổi dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn trả nợ.
Được biết, Dự án phát triển giao thông đô thị TP Hải Dương dự kiến vay khoảng 31,4 triệu USD từ Quỹ phát triển quốc tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC (OFID). Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Tờ trình số 942/BKHĐT – KTĐN đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Phát triển giao thông đô thị TP Hải Dương sử dụng vốn vay Quỹ OFID với thời gian thực hiện là từ năm 2022 đến 2025.
Dự án có mục tiêu mở rộng không gian phát triển đô thị về phía Đông của TP Hải Dương nói riêng và phía Đông Nam tỉnh Hải Dương nói chung. Đồng thời góp phần hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I đối với TP Hải Dương. Theo đề xuất của UBND tỉnh, dự án bao gồm 3 hợp phần.
Cụ thể, hợp phần 1 - xây dựng cầu vượt sông Thái Bình và đường kết nối cầu Bùi Thị Xuân với đường vành đai I, trong đó cầu vượt sông Thái Bình tại vị trí cuối đường Bùi Thị Xuân sang phường Nam Đồng (cầu Bùi Thị Xuân) có chiều dài 1.191 m, chiều rộng 23 m.
Hợp phần 2 dự án có mục tiêu hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư; hợp phần 3 là hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ thực hiện. Toàn bộ phạm vi dự án nằm trên địa phận phường Ngọc Châu, phường Nam Đồng và xã Tiền Tiến, TP Hải Dương.
Tổng mức đầu tư dự án là 1.341,257 tỷ đồng, tương đương 58,05 triệu USD, trong đó vốn vay nước ngoài là 31,465 triệu USD, tương đương 727 tỷ đồng; vốn đối ứng là 614,257 tỷ đồng, tương đương 26,585 triệu USD.
Đối với phần vốn vay Quỹ OFID, UBND tỉnh sẽ vay lại 70%, ngân sách Trung ương cấp phát 30%. Phần vốn đối ứng sẽ được huy động từ nguồn ngân sách TP Hải Dương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trường hợp dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền thẩm định trước khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Đồng thời tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm hiệu quả và tính chính xác của số liệu và thực hiện thủ tục bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm giai đoạn 2021-2025 cho dự án theo quy định pháp luật đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị giao cho bộ này thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về quyết định chủ trương đầu tư dự án và đề nghị xem xét tài trợ.
Ông Nguyễn Đình Khanh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP Hải Dương thông tin, sau khi nghiên cứu, đánh giá hiệu quả nguồn vay, nguồn thu ngân sách của thành phố giai đoạn 2021-2025 và khả năng vay lại, UBND thành phố đã báo cáo UBND tỉnh xem xét đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dùng nguồn vốn khác đầu tư cho dự án.
Đề nghị cho phép tạm dừng dự án, chuyển sang thực hiện giai đoạn từ năm 2026-2030 và hỗ trợ UBND thành phố tìm kiếm nguồn vốn tài trợ khác phù hợp hơn để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Có thể bạn quan tâm