Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu dệt may dự kiến là 39 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn 1 tỷ USD so với mục tiêu 40 tỷ USD.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, mặc dù chịu tác động rất lớn từ suy giảm kinh tế thế giới do biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhưng ngành dệt may Việt Nam năm 2019 vẫn giữ được mức tăng trưởng khá trong bối cảnh dệt may thế giới giảm sâu.
Tuy nhiên, nhận định của Bộ Công Thương tại báo cáo về hoạt động ngành công nghiệp và thương mại 11 tháng năm 2019 cho rằng, các doanh nghiệp dệt may vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như: cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... đang rất khốc liệt do hiện nay, nhiều nước tập trung hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực châu Phi khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ và dòng đơn hàng chuyển dịch sang nước khác cũng khiến dệt may Việt Nam gặp khó khăn. Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia.
Thị trường sợi cũng gặp nhiều khó khăn, sự cạnh tranh về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi có vốn đầu tư nước ngoài cũng như cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan ngày càng gay gắt.
Ông Giang cho rằng, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội và thách thức đan xen với nhau. Cơ hội đó là từ 14 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhất là CPTPP và EVFTA. Những FTA này sẽ tạo ra sân chơi toàn diện cho ngành. Bên cạnh đó, ngành dệt may đi đầu trong tiếp cận khoa học công nghệ 4.0. Hàng loạt nhà máy đã được đầu tư với dây chuyền công nghệ hiện đại, nhiều công đoạn được tự động hóa. Ngành cũng đang tiếp cận với nền công nghiệp xanh hóa và phát triển bền vững của dệt may toàn cầu.
Còn thách thức lớn nhất của ngành dệt may ông Giang cho rằng, nằm ở câu chuyện về nguyên liệu đầu vào. Bởi hiện nay chúng ta vẫn phải nhập khẩu trên 50% nguyên phụ liệu. Trong khi đó, quy hoạch phát triển ngành, vùng nguyên liệu vẫn còn đang bỏ ngỏ. Để giải quyết được bài toán khó này cần có “bàn tay” của Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành.
Bên cạnh đó, ngành thiết kết thời trang của nước ta vẫn còn đang ở trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường cũng như nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hội nhập có tính toàn diện, cần có chiến lược cho ngành thiết kết thời trang. Ngành dệt may phải chủ động được thị trường, phải phát triển mẫu để khách hàng phải đến Việt Nam và chọn mẫu mã do nhà thiết kế Việt Nam đưa ra. Chứ không còn như bây giờ là khách hàng đưa cho doanh nghiệp một mẫu mã để doanh nghiệp làm theo. Điều này đòi hỏi chúng ta phải phát triển mẫu, phải thiết kế được chào mẫu cho nhà mua.
“Khách hàng sẽ không bỏ tiền ra thuê nhà thiết kế mà doanh nghiệp VN phải có nhà thiết kế có tầm nhìn. Và họ cần có nguyên phụ liệu ngay tại Việt Nam”, ông Giang nhấn mạnh. Thiết kế phải luôn đi trước. Khách hàng thấy nước nào mẫu mã tốt, giá tốt, có nguyên phụ liệu trong nước thì họ sẽ mua.
Có thể bạn quan tâm
01:08, 14/12/2019
02:00, 26/09/2019
00:00, 11/09/2019
11:15, 28/08/2019
12:19, 13/08/2019
Thêm vào đó, sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư từ các thành phố lớn về các vùng sâu xa, nông thôn cũng khiến ngành thêm khó khăn. Bởi người lao động ở các vùng này chưa được đào tạo, trình độ thấp, trong khi doanh nghiệp phải đi trước, phải tuyển dụng lao động, điều đó gây ra áp lực cho doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo. Trong khi đó, theo Bộ luật Lao động, sau khi tuyển dụng lao động một tháng khi họ chưa được đào tạo, chưa có tay nghề nhưng vẫn phải ký hợp đồng, đóng bảo hiểm xã hội, trả lương theo mức tối thiểu vùng… chi phí này tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Mặt khác, vấn đề phát triển chương trình xanh hóa ngành dệt may cũng tạo ra áp lực lớn đối với doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải tự đầu tư mà chưa có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhất là nguồn tài chính cho đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn mực, đầu tư vào chương trình xanh hóa, chương trình năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Trước các thách thức trên, đại diện Vitas cho rằng, Hiệp hội sẽ tiếp tục cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các văn bản pháp luật như về: thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, hoàn thuế, góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động, các chế độ liên quan đến người lao động…
Đồng thời, đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam 2020 -2030 của Bộ Công Thương… Mục tiêu đến năm 2030, toàn ngành dệt may đạt 85-90 tỷ USD, xây dựng phát triển 25-30 thương hiệu Việt Nam…
Báo cáo tổng kết Hiệp hội dệt may về bức tranh toàn ngành dệt may năm 2019 cho thấy, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 22,38 tỷ USD tăng 2,21%. Giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 19,26 tỷ USD tăng 4,96%. Giá trị nội địa tăng thêm (thặng dư thương mại) của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 19,73 tỷ USD tăng 10,19%; xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD và tăng 15,7 điểm phần trăm so với năm 2018. Đồng thời, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 38,97% tổng kim ngạch xuất khẩu; EU đạt 4,4 tỷ USD tăng 2,23%, chiếm 11,28%; Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD tăng 7,05%, chiếm 10,9%; Nhật Bản đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,79%, chiếm 10,77%; Hàn Quốc đạt 4 tỷ USD tăng 4,42% chiếm 10,26%; ASEAN đạt 2,1 tỷ USD, tăng 7,75 tỷ USD, chiếm 5,38%. Chắc rằng mục tiêu đặt ra ngành dệt may sớm được hiện thực hoá. |