Chuyên gia đề xuất thành lập đặc khu kinh tế để thử nghiệm thể chế, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, khai thác nguồn lực đất đai trong đó có đất thương mại dịch vụ.
>> Lộ trình cho sở hữu chung cư có thời hạn
Trong tham luận gửi đến Hội thảo khoa học trọng điểm "Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", ông Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị nên tiếp tục nghiên cứu thành lập một số đơn vị kinh tế đặc biệt hoặc thành lập đặc khu kinh tế để thử nghiệm thể chế, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, khai thác nguồn lực đất đai trong đó có đất thương mại dịch vụ.
Theo ông Bình, một số nước trong khu vực đã thành lập các đặc khu kinh tế và mang tới những tác động tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông Bình lấy ví dụ như Lào đang vận hành 13 đặc khu kinh tế (SEZ) với thời hạn thuê đất lên đến 99 năm, cơ chế “một cửa, một dấu” trong đó có đặc khu Kinh tế Tam giác vàng.
Long Thành - doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư một SEZ ngay tại trung tâm thủ đô Viêng Chăn là đặc khu kinh tế Long Thành – Vientiane được nâng cấp từ dự án sân golf và bất động sản tại quận Hadxaiphong từ năm 2018. Đặc khu có diện tích trên 557 ha với tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, thời hạn hoạt động 99 năm bao gồm sân golf 27 hố, khách sạn, khu biệt thự, trường học, bệnh viện quốc tế, trung tâm thương mại, khu công nghệ cao.
Có thể thấy, dù còn nghèo và không có biển, người Lào đang tìm mọi cách để phát triển đất nước. Chính sách đặc khu kinh tế với cơ chế mở, linh hoạt về địa điểm (cho phép đặc khu ở biên giới, ở các vùng và ngay cả trung tâm thủ đô), thời hạn cho thuê đất dài đến 99 năm và có thể gia hạn, nhà phát triển đặc khu kinh tế ở Lào được quyền kêu gọi nhà đầu tư thứ phát trong và ngoài nước theo cơ chế một cửa, một dấu của Lào.
Tương tự, tại Campuchia, Đặc khu kinh tế Phrom Penh (PPSEZ) với thời hạn thuê đất 99 năm, cơ chế “một cửa, một dấu” đã thu hút 100 công ty từ 15 quốc gia trong đó Nhật Bản chiếm 50%. Đặc khu kinh tế Shihanoukville (SSEZ) cũng có cơ chế tương tự đang thu hút rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài.
Gần với Việt Nam nhất có thể kể đến Thâm Quyến - ví dụ tiêu biểu nhất về áp dụng thành công mô hình đặc khu kinh tế. Thành phố này có vị trí chiến lược tại Quảng Đông, nằm tại lưu vực sông Châu Giang, gần Hong Kong, Macau và là cửa ngõ vào Trung Quốc.
Là một trong bốn đặc khu đầu tiên trong chương trình cải cách kinh tế, Thâm Quyến được chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tốt; xem xét triển khai “chế độ ưu đãi thông minh” nhằm khuyến khích lao động có trình độ, chuyển giao công nghệ cao, liên kết kinh tế địa phương.
Năm 1980, Chính phủ Trung Quốc đã giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp tư nhân, áp dụng công nghệ và khoa học để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - kỹ thuật. Những năm sau đó, kinh tế "lột xác", Thâm Quyến từ một làng chài 30.000 dân sống rải rác trong các ngôi làng nhỏ, giai đoạn 1978 - 2014, GDP thành phố này tăng 24.500%. Đến hết năm 2019, TP này có tốc độ tăng trưởng trung bình 20,7%/năm, tổng lượng kinh tế đứng thứ 5 trong danh sách các thành phố tốp đầu của châu Á.
Ở Việt Nam, năm 2002 mới xây dựng thí điểm mô hình khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) và đến nay đã có 18 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 54.000 ha. Những khu kinh tế này đã đạt được các kết quả nhất định xét về các mặt thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết công việc làm ăn cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương... Tuy nhiên, thể chế ở các khu kinh tế này chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thu đất nên không đủ sức cạnh tranh so với các khu kinh tế tự do trong khu vực và trên thế giới. Nghĩa là Việt Nam chưa có một đặc khu kinh tế nào đã được xây dựng theo đúng nghĩa của nó.
Các chuyên gia cho rằng, khó để tìm mẫu số chung cho các đặc khu kinh tế, song các thể chế hành chính và kinh tế của các khu này cần đủ hiện đại và quốc tế mới có thể thu hút các nguồn nhân lực, tài lực, các nhà đầu tư nước ngoài đến hoạt động.
Trên cơ sở thực tiễn, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi: “Liệu có thể nâng cấp các khu kinh tế hiện nay thành các đặc khu kinh tế?”
Có thể bạn quan tâm