Việt Nam đã biến khủng hoảng COVID-19 thành cơ hội

NGUYỄN VIỆT 31/03/2021 16:12

Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát khủng hoảng COVID-19 và biến khủng hoảng thành cơ hội. 

Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 - Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển”, do trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tổ chức ngày 31/3.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Theo ông Jacques Morisset, Việt Nam đã nâng cao sự hiện diện trong thương mại toàn cầu và hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong các mặt hàng xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh với việc kết nối, tận dụng các công cụ công nghệ thông tin mới tốt hơn. Có tính toán đến chuyển đổi và tạo ra công nghệ xanh nhằm duy trì thế mạnh cạnh tranh…

Những thách thức chưa có tiền lệ

Tuy nhiên, ông Jacques Morisset cũng chỉ rõ, dịch COVID-19 khiến tại Việt Nam xuất hiện những nguy cơ tổn thương mới. Cụ thể, 46% hộ gia đình cho biết thu nhập tháng 12/2020 thấp hơn so với 1 năm trước đó.

Các chương trình xã hội hiện nay mới chỉ tập trung vào đối tượng nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia hoặc các nhóm đặc biệt. Các chương trình gần đây trong gói hỗ trợ của tháng 4/2020 chưa được thực hiện tốt, chưa đến 1% đối tượng được nhận hỗ trợ…

PGS, TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và khó khăn to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế, đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến toàn bộ các ngành, khu vực, đối tượng khác nhau.

Việc hoàn thành “mục tiêu kép” của năm 2020 là vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa giảm thiểu được những tác động tiêu cực của đại dịch, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Dù ở mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 20 năm qua (tăng 2,91%), nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất toàn cầu, trong bối cảnh tăng trưởng chung của kinh tế thế giới suy giảm 4%.

Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm hỗ trợ và giải cứu một số khu vực kinh tế và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng đại dịch diễn biến phức tạp trở lại trên nhiều địa phương trong cả nước đang và sẽ tác động toàn diện, nặng nề hơn đến nền kinh tế.

“Tình trạng này đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc một gói hỗ trợ mới trong năm 2021 và thậm chí xa hơn, với quy mô lớn và độ bao phủ rộng hơn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển kinh tế và chuẩn bị giai đoạn phục hồi sau đại dịch”, PGS, TS. Tô Trung Thành nói.

Vẫn theo PGS, TS. Tô Trung Thành, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn tiếp tục đến từ khu vực kinh tế đối ngoại. Sản xuất và xuất khẩu của khu vực FDI đóng vai trò quan trọng đến tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn và các ngành dịch vụ khó có cơ hội tăng trưởng cao do đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế đối ngoại còn phụ thuốc nhiều vào cú sốc từ bên ngoài và khả năng hồi phực còn bất định của kinh tế thế giới. “Đầu tư công cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng 2021, bù đắp cho đầu tư khu vực ngoài nhà nước khó khăn do đại dịch, đảm bảo tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư trong nhiều năm qua. Tuy vậy, dư địa tài khóa không còn nhiều, nên khả năng mở rộng mạnh mẽ đầu tư công để tăng trưởng sẽ khó có thể kéo dài”, PGS,TS. Tô Trung Thành nhận định.

Thận trọng với chính sách tiền tệ nới lỏng

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là khả năng chống chịu của nền kinh tế sẽ như thế nào nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới, mà sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo.

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo.

Quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm. Theo đó, thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế”, PGS,TS. Tô Trung Thành lo ngại.

Đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm đưa đất nước vượt qua đại dịch COVID-19, các chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại.

Chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức, tiếp đến là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Các chính sách hỗ trợ lợi nhuận hoặc hàng hóa xa xỉ chưa phù hợp cần được thiết kế lại.

Chính phủ cũng cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng chính sách, giảm mức thu các loại phí, lệ phí dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch. Các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được xếp theo thứ tự ưu tiên hàng đầu.

Cùng với đó, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động. Đồng thời, giám sát chặt chẽ dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, phi sản xuất để đảm bảo cơ cấu tín dụng lành mạnh và an toàn hệ thông trong tương lai.

Các chuyên gia cũng cho rằng, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang được thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Như đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; hoàn thiện thể chế, tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo…

Những giải pháp mang tính dài hạn này để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng cần được kiên quyết thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất. 

PGS,TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, Việt Nam còn rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa. Do vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Đồng thời, chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết.  

“Thời gian qua, tỷ lệ cung tiền của Việt Nam so với GDP đang rất cao, làm cho không gian chính sách rất hạn hẹp, dòng tiền không đi vào khu vực sản xuất mà tập trung rất nhiều vào lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt như vàng, chứng khoán, bất động sản... cũng làm hạn chế sự tăng trưởng kinh tế. Do đó, muốn tăng trưởng trong dài hạn điều quan trọng là phải huy động được nguồn lực trong dân và giữ được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định thì mới giữ được các nguồn lực của nền kinh tế”, PGS,TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Triển vọng kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng 2021

    Triển vọng kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng 2021

    11:00, 21/02/2021

  • Triển vọng kinh tế Việt Nam: Nhiều thách thức phải vượt qua

    Triển vọng kinh tế Việt Nam: Nhiều thách thức phải vượt qua

    04:00, 21/02/2021

  • Triển vọng kinh tế Việt Nam: Cơ hội từ khủng hoảng

    Triển vọng kinh tế Việt Nam: Cơ hội từ khủng hoảng

    11:00, 20/02/2021

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 19/02: Triển vọng kinh tế Việt Nam

    ĐIỂM BÁO NGÀY 19/02: Triển vọng kinh tế Việt Nam

    06:05, 19/02/2021

  • Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: Lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

    Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: Lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

    11:11, 17/02/2021

  • Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (kỳ III): Những ưu tiên phát triển dài hạn

    Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (kỳ III): Những ưu tiên phát triển dài hạn

    04:00, 15/02/2021

  • Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (kỳ II): Quản lý rủi ro khu vực tài chính

    Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (kỳ II): Quản lý rủi ro khu vực tài chính

    04:00, 14/02/2021

  • Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink:

    Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink: "Chúng tôi rất lạc quan về nền kinh tế Việt Nam!"

    12:13, 12/02/2021

  • Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (Kỳ I): Cơ hội trước thách thức lớn

    Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (Kỳ I): Cơ hội trước thách thức lớn

    04:00, 11/02/2021

  • Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021?

    Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021?

    15:41, 20/01/2021

  • 6 rủi ro của kinh tế Việt Nam năm 2021

    6 rủi ro của kinh tế Việt Nam năm 2021

    14:00, 15/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam đã biến khủng hoảng COVID-19 thành cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO