Quyết định thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ thể hiện tinh thần chủ động, là bước chuyển quan trọng trong chiến lược thương mại của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 12/4/2025 về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ.
Trưởng đoàn là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Phó Trưởng đoàn là Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.
Thành viên Đoàn đàm phán gồm: Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Bá Hoan; Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng.
Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Đoàn đàm phán. Đoàn đàm phán có Tổ giúp việc là công chức cấp Vụ của Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan. Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Đoàn đàm phán và thành viên của Tổ giúp việc.
Quyết định thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/4/2025.
Đây là lần đầu tiên một Đoàn đàm phán cấp Chính phủ được thiết lập riêng biệt để xử lý các vấn đề thương mại song phương với Hoa Kỳ - một trong những đối tác chiến lược và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Sự hiện diện của các lãnh đạo cấp cao từ nhiều bộ ngành chủ chốt cho thấy tính chất liên ngành, liên lĩnh vực và tầm quan trọng đặc biệt của cơ chế đàm phán lần này.
Đoàn đàm phán không chỉ có nhiệm vụ đối thoại và xây dựng phương án đàm phán, mà còn đóng vai trò tham mưu chính sách hậu đàm phán, bảo đảm việc thực thi các cam kết một cách đồng bộ và hiệu quả.
Mục tiêu mà Đoàn đàm phán hướng tới là xây dựng một thỏa thuận thương mại đối ứng cân bằng – bền vững – hai bên cùng có lợi, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích.
Điều này phản ánh rõ nét định hướng hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đang theo đuổi: không đánh đổi chủ quyền kinh tế lấy tăng trưởng ngắn hạn, mà hướng tới một thế trận thương mại ổn định, dài hơi, có khả năng thích ứng trước các biến động toàn cầu.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang đẩy mạnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuyển dịch sản xuất và áp dụng các tiêu chuẩn thương mại cao hơn, việc chủ động thiết lập cơ chế đàm phán riêng là bước đi chiến lược giúp Việt Nam giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ - một trong những thị trường đòi hỏi khắt khe nhưng đầy tiềm năng.
Không dừng lại ở khía cạnh kinh tế, quyết định này còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tinh thần đối thoại và chủ động thích ứng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, thể hiện quyết tâm xây dựng mối quan hệ Việt - Hoa Kỳ thực chất hơn, ổn định hơn và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Trước đó, thuế đối ứng áp dụng với các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ, theo công bố ban đầu của ông Trump, có hiệu lực từ 9/4 với thuế suất 11-84%, trong đó mức thuế áp lên Việt Nam là 46%.
Trước thông tin này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm "rất hiệu quả" với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Chính phủ Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện các bước chủ động nhằm thể hiện cam kết thực chất trong việc xử lý mất cân bằng thương mại, đồng thời tháo gỡ các rào cản mà doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ đang gặp phải.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chuyến công tác tại Hoa Kỳ và có các cuộc làm việc với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. Theo đó, Việt Nam đạt được thống nhất với Hoa Kỳ về việc hai bên sẽ tiến hành tổ chức đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương. Hai bên cũng chính thức đồng ý sẽ xem xét đàm phán nội dung về thuế quan, là điều khoản quan trọng nhất của hiệp định này.
Khoảng nửa ngày sau khi thuế đối ứng được khởi xướng áp với 180 đối tác thương mại có hiệu lực và sau khoảng 6 giờ Trung Quốc thông báo áp thuế với hàng hoá Hoa Kỳ lên 84% để đáp trả, ông Trump thông báo giảm thuế còn 10%, hoãn thi hành 90 ngày nhưng chỉ với một số nước "không trả đũa", còn Trung Quốc bị tăng thuế lên 125%.
Trước động thái này của Hoa Kỳ, ngay trong chiều 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ để thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt và Tổng Bí thư Tô Lâm về việc ứng phó chủ động, kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, đến thời điểm này, việc nắm tình hình, phản ứng chính sách, thực thi chính sách của Việt Nam là kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, với tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, không cầu toàn, không nóng vội, coi trọng trí tuệ, thời gian và sự quyết đoán đúng thời điểm.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã yêu cầu thành lập đoàn đàm phán với phía Hoa Kỳ do Bộ trưởng Công Thương làm trưởng đoàn; kịch bản, phương án phù hợp, tinh thần là bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Trong những ngày qua, cùng với các hoạt động, các cuộc họp của Chính phủ, bộ ngành liên quan về việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng; VCCI với tư cách là tổ chức đại diện cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam cũng đã gửi thư tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ; đồng thời cũng gửi thư tới Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ ASEAN, Phòng Thương mại Los Angeles, Phòng Thương mại San Francisco… với mong muốn các đối tác ủng hộ vận động Hoa Kỳ hoãn áp dụng thuế đối với Việt Nam. Sau khi nhận được thư của VCCI, nhiều tổ chức phản hồi và đồng thuận với quan điểm, đề xuất của VCCI.
Đáng chú ý, VCCI đã cùng với AmCham gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ bày tỏ: “Mặc dù thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng nguyên nhân của sự gia tăng này dường như đến từ môi trường đầu tư thuận lợi và xu hướng dịch chuyển, đánh giá lại chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo an toàn”. Chính vì vậy, VCCI và AmCham cho rằng “nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ có tính bổ trợ lẫn nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp”.
VCCI đồng hành cùng Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN bày tỏ sự mong muốn chính quyền Hoa Kỳ tăng cường đối thoại; tạm hoãn việc áp mức thuế mới (khoảng 2-3 tháng) trong thời gian hai bên tiến hành đàm phán, tìm được tiếng nói chung.
“Thuế suất thấp hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam và đối với các sản phẩm đến tay người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ giúp ích cho các công ty, nền kinh tế và người tiêu dùng Hoa Kỳ", AmCham và VCCI cho biết. Đồng thời cho rằng, việc giảm thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng như đối với các hàng hóa phục vụ người tiêu dùng Hoa Kỳ mới chính là yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế và người tiêu dùng Hoa Kỳ.
VCCI và AmCham khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm giải quyết các khó khăn về thương mại số, nhập khẩu dược phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, các thủ tục hải quan – thuế, mua sắm chính phủ, quản lý và bảo mật dữ liệu, và nhiều lĩnh vực khác.
"Một thỏa thuận nhanh chóng và công bằng sẽ giúp tạo ổn định cho doanh nghiệp và góp phần điều chỉnh sự mất cân bằng cán cân thương mại theo hướng đôi bên cùng có lợi" - VCCI nêu.