Những năm gần đây Chính phủ luôn đặt kế hoạch nhập siêu, nhưng thực tế lại xuất siêu. Số liệu cập nhật cho thấy, Việt Nam đã đạt kỷ lục xuất siêu mới.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 10, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 46,61 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng 9 trước đó.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 24,23 tỷ USD, tăng 3,7% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 22,37 tỷ USD, tăng 2,9%.
Với kết quả trong 10 tháng đã nâng tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm lên 428,63 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 218,82 tỷ USD, tăng 8,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 209,81 tỷ USD, tăng 7,7%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10 năm 2019 thặng dư với con số xuất siêu 1,86 tỷ USD.
Như vậy, tính chung trong 10 tháng cả nước xuất siêu 9,01 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kết quả xuất siêu cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Có thể bạn quan tâm
00:35, 08/11/2019
00:08, 03/09/2019
00:00, 13/08/2019
00:00, 09/05/2019
Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt giá trị cao nhất ở mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 5,2 tỷ USD, giảm 4% so với tháng trước, tuy nhiên cộng dồn hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này tăng đạt 44 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, trong tháng 10, giá trị xuất khẩu máy vi tính và sản phẩm điện tử cũng đạt 3,5 tỷ USD; hàng dệt may 2,6 tỷ USD; máy móc thiết bị, phụ tùng khác đạt 1,7 tỷ USD; giày dép các loại đạt 1,59 tỷ USD.
Về nhập khẩu, các mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao, bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,4 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,1 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 1,5 tỷ USD; vải các loại 1,2 tỷ USD; sắt thép các loại đạt 891 triệu USD.
Tuy kế hoạch trong ba năm trở lại đây luôn đưa ra mục tiêu kiểm soát nhập siêu trong khoảng dưới 3% và 5,5% kim ngạch xuất khẩu, nhưng thực tế năm 2016 đã xuất siêu gần 1,8 tỷ đô la Mỹ, năm 2017 xuất siêu 2,1 tỷ và năm 2018 đạt kỷ lục xuất siêu 6,8 tỷ đô la (khoảng 2,7% kim ngạch xuất khẩu).
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 với tỉ lệ tán thành là 88,2% trên tổng số đại biểu Quốc hội, thì trong số đó mục tiêu không đổi là nhập siêu dưới 3%. Thế nhưng, số liệu vừa nêu trên đã cho thấy, xuất siêu tiếp tục cao, và khả năng rất cao là xuất siêu cả năm sẽ đạt kỷ lục mới. Vậy tại sao mục tiêu nhập siêu vẫn được duy trì?
Nói về lý do vì sao Chính phủ xây dựng chỉ tiêu nhập siêu năm 2020, lý do được Bộ Công Thương đưa ra là, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn và tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc trong năm 2020. Chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều.
Xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn. Trong thực tế, những tác động này phần nào đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2019.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để bảo hộ sản xuất trong nước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng nông, thủy sản đang trong xu hướng giảm. Việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng nhanh trong thời gian qua có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam...
Hơn nữa, dự kiến sẽ có dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2020 để đón đầu cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu cũng như do tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung, kéo kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu tăng cao.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương dự báo tốc độ tăng trưởng nhập khẩu khoảng 8-10%, tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6-7% và dự báo nhập siêu trong năm 2020 nhưng lượng nhập siêu không lớn.
Do vậy, Bộ Công Thương đề xuất chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức dưới 3%.