Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua nội dung Dự thảo Hiệp định hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Italia.
Theo đó, nội dung của Hiệp định này là thực hiện cung cấp và trao đổi thông tin nhằm điều tra, phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hải quan theo quy định; thực hiện giao hàng có kiểm soát đối với tiền chất, ma túy và chất hướng thần trong phạm vi quyền hạn và theo quy định của pháp luật trong nước; sử dụng các thông tin và tài liệu nhận được theo quy định của Hiệp định vào các mục đích quy định tại Hiệp định; chỉ được sử dụng các thông tin tài liệu đó vào các mục đích khác khi được sự đồng ý bằng văn bản của Bên kia.
Đồng thời, Italia cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động hợp tác kỹ thuật như trao đổi đoàn, đào tạo và hỗ trợ phát triển chuyên sâu, trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong sử dụng các thiết bị phát hiện, trao đổi dữ liệu chuyên môn, khoa học và kỹ thuật liên quan đến quy định và thủ tục hải quan; tiến hành họp giữa hai cơ quan hải quan khi có yêu cầu để tiến hành rà soát việc thực hiện Hiệp định và xây dựng kế hoạch triển khai.
Trong năm 2017, Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, trao đổi về việc hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hội nhập thương mại hiệu quả hơn thông qua việc nâng tính minh bạch, cắt giảm thủ tục hành chính và áp dụng thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do đó, việc ký Hiệp định trên giữa hai nước sẽ nâng cao giá trị về mặt pháp lý và hiệu quả hoạt động hợp tác giữa hai Chính phủ và tạo điều kiện cho cơ quan hải quan hai nước trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, phát hiện, ngăn chặn và phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan.
Việc ký kết Hiệp định cũng được kỳ vọng sẽ là một trong những bước tiến giúp Việt Nam cải cách các quy trình theo đúng quy chuẩn quốc tế; đồng thời giúp các doanh nghiệp Italia nói riêng và quốc tế nói chung giảm bớt những vướng mắc và khó khăn khi tiến hành các thủ tục hành chính tại nước ta.
Theo đánh giá của đại diện Eurocham, các doanh nghiệp khu vực châu Âu đánh giá chính phủ Việt Nam đã có những động thái rất tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) đã kết thúc đàm phán và đang trong giai đoạn chờ phê duyệt, việc Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực châu Âu về các lĩnh vực thuế, hải quan... sẽ giúp doanh nghiệp hai bên hiểu rõ hơn về các quy định; đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp và phối hợp tốt với cơ quan hải quan trong việc thực thi pháp luật, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh.