Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong, ngoài nước thúc đẩy hợp tác hiệu quả, bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị AIM 2025 (Abu Dhabi, UAE), chiều 7/4/2025.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhận định tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Cạnh tranh chiến lược gia tăng, rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính tiềm ẩn đang gây sức ép lớn đến triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế. Đáng chú ý, căng thẳng thương mại leo thang có thể dẫn tới sự tái định hình trật tự kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng trong thách thức vẫn tồn tại cơ hội. Đây là thời điểm để các quốc gia tăng cường hợp tác, cùng hướng tới một mô hình phát triển bao trùm và bền vững. Ông cũng nhấn mạnh, các xu hướng kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức đang mở ra những hướng đi chiến lược, trong đó các quốc gia năng động, cải cách mạnh mẽ và tích cực hội nhập sẽ giữ vai trò nòng cốt.
Sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước có nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một điểm sáng tăng trưởng với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô luôn được duy trì ổn định; chất lượng và tốc độ tăng trưởng ngày càng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Đến nay, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN. Đồng thời, đã được nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI.
Bên cạnh nhiều thành tựu nhất định, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển với nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn nhưng có độ mở rất lớn nên dễ bị tác động trước các biến động của tình hình thế giới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển mới, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, hướng tới sự phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả hơn nữa.
Theo đó, Việt Nam đã xác định hai cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn, gọi là “2 mục tiêu 100 năm”. Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu trở thành quốc gia đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, mục tiêu là trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của sự thịnh vượng và giàu mạnh.
Để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đã đề ra, Việt Nam đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường nội lực, phát huy tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Chính phủ tập trung thúc đẩy ba đột phá chiến lược gồm: hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng trước biến động toàn cầu.
Đặc biệt, Việt Nam đang ưu tiên tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong phát triển, làm mới các động lực tăng trưởng và huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà bứt phá hướng tới tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư nước ngoài, Việt Nam xác định chiến lược thu hút FDI theo hướng chọn lọc, ưu tiên các ngành nghề có giá trị gia tăng cao và phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm: phát triển hạ tầng chiến lược, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, vật liệu mới, sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo, năng lượng mới (như hydrogen), logistics và tài chính xanh.
Đáng chú ý, trong năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thời gian xử lý các thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi và cạnh tranh hơn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, sự đồng hành và hợp tác hiệu quả từ các đối tác quốc tế, trong đó có UAE, đóng vai trò hết sức quan trọng”, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Sau ba thập kỷ vun đắp, quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang bước vào giai đoạn hợp tác sâu sắc và thực chất hơn bao giờ hết. UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, đồng thời đóng vai trò là cầu nối chiến lược giúp Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường Arab và châu Phi.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng tăng của UAE – một trung tâm tài chính, logistics và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực và thế giới. Đặc biệt, việc hai nước ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) được xem là bước đột phá quan trọng, mở ra cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại song phương trong thời gian tới.