Theo Chainalysis, dù thị trường tiền điện tử lao dốc, Trung Quốc đã trở lại Top 10 quốc gia chấp nhận tiền điện tử trong khi Việt Nam chưa hoàn thiện khung pháp lý nhưng vẫn xếp thứ hạng đầu tiên.
>>Tập trung quản lý rủi ro hiệu quả trên thị trường tiền điện tử
Giá tiền điện tử đang trong một xu hướng giảm giá lớn khi Bitcoin (BTC) đã tuột xuống dưới mốc 20.000 USD/BTC và hiện đang giao dịch quanh mức 19.800 USD vào ngày 17/9. Như vậy, giá BTC đã giảm 5% trong 7 ngày qua, đồng thời hoạt động nâng cấp mạng của Ethereum (ETH) dù diễn ra thành công, nhưng cũng không đủ để giúp Ethereum bứt phá. Giá đồng tiền điện tử lớn thứ hai trên thị trường đã giảm xuống dưới mốc 1.500 USD/ETH.
Vốn hóa thị trường tiền điện tử cũng giảm gần 3% trong 24 giờ và thấp hơn nhiều so với mốc 1.000 tỷ USD. Nhiều người vẫn tin rằng, thị trường giảm là kết quả trực tiếp của lập trường “diều hâu” từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi ngày công bố mức tăng lãi suất đang cận kề.
Một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế mới đây cho thấy, lãi suất sẽ tiếp tục đạt mức cao nhất vào năm 2023. Trong khi đó, thị trường tiền điện tử ngày càng trở nên tương quan với thị trường chung vào năm 2020. Nó hoạt động giống như cổ phiếu công nghệ và NASDAQ theo định hướng công nghệ. Do đó, các điều kiện kinh tế vĩ mô đóng vai trò quan trọng chi phối thị trường tiền điện tử. Vào tháng 6/2022, FED đã tăng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm, khiến thị trường tiền điện tử trải qua một cuộc khủng hoảng thanh khoản lớn.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư lớn đang rút lui khỏi tài sản rủi ro để tìm về nơi trú ẩn an toàn, thì tại một số khu vực vẫn đang đổ xô vào tiền điện tử. Theo một báo cáo từ dữ liệu Blockchain Chainalysis, các hoạt động tiền điện tử đang diễn ra mạnh mẽ ở Trung Quốc đại lục, bất chấp Chính phủ đã mạnh tay trấn áp lĩnh vực này. Cùng với đó, người dân ở một số quốc gia khác như Việt Nam và Philippines cũng đang đưa phần lớn tiền của họ vào tài sản kỹ thuật số.
Cụ thể, Trung Quốc đại lục đứng thứ 10 trong Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu năm 2022 mà công ty này khảo sát, tăng từ vị trí thứ 13 vào năm 2021, nhưng giảm từ vị trí thứ 4 vào năm 2020.
“Quốc gia này được cho là đặc biệt mạnh mẽ trong việc sử dụng các sàn giao dịch tiền điện tử tập trung. Dữ liệu như vậy cho thấy, lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc đối với tất cả giao dịch tiền điện tử được công bố vào tháng 9/2021 đã không hiệu quả hoặc được thực thi một cách lỏng lẻo", Chainalysis nhận xét.
Thực tế, Trung Quốc đã chứng kiến sự tạm lắng trong lĩnh vực tiền điện tử vào năm ngoái, sau cuộc trấn áp kéo dài nhiều tháng đối với hoạt động khai thác Bitcoin. Nhưng sau đó, hoạt động khai thác Bitcoin đã tăng trở lại. Nhà quản lý tại công ty tư vấn Blockchain QuantBlock, Yip Ki-nang cho biết, các nhà giao dịch tiền điện tử trong nước đã có thể tiếp tục hoạt động của mình dưới chiêu bài tham gia vào các thị trường như NFT (token không thể thay thế).
“Lệnh cấm rất nghiêm khắc đối với các nhà cung cấp dịch vụ trao đổi từ tiền pháp định sang tiền điện tử/mã thông báo, nhưng ngược lại Trung Quốc vẫn ủng hộ công nghệ Blockchain. Theo ý kiến của tôi, những người tham gia tiền điện tử/Blockchain đang chơi với “Metaverse” và “NFT” như một sự ngụy trang để tiếp tục các hoạt động của họ trong ngành công nghiệp mới nổi này”, ông nói.
>>Trung Quốc mâu thuẫn trong chính sách quản lý tiền điện tử
Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu xếp hạng các quốc gia và khu vực theo giá trị của các giao dịch tiền điện tử trên các loại dịch vụ khác nhau, có trọng số dựa trên mức thu nhập ở từng khu vực. Một nửa trong số 20 quốc gia hàng đầu trong báo cáo là các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, trong đó Việt Nam đứng đầu năm thứ hai liên tiếp và Philippines đứng thứ hai. Theo Chainalysis, gửi tiền kiều hối là một trong những cách sử dụng tiền điện tử phổ biến ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn. Bên cạnh đó, các trò chơi sử dụng tiền điện tử, thường được gọi là Play-to-Earn (chơi để kiếm tiền) cũng rất phổ biến ở các nước Đông Nam Á, ví dụ điển hình là Axie Infinity có xuất xứ từ Việt Nam.
Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra sự vắng mặt của Hong Kong trong Top 20 - thành phố đã trở thành trung tâm tiền điện tử, kể từ khi lĩnh vực này chính thức bị cấm ở đại lục. Là trung tâm tài chính của châu Á, Hong Kong đã chứng kiến một loạt các hoạt động liên quan đến tiền điện tử trong những năm gần đây, trở thành nơi đặt trụ sở của một số sàn giao dịch lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp như sàn giao dịch FTX đã rời đi, khi nhiều nhà đầu tư không hài lòng với môi trường pháp lý hạn chế và kém “hiếu khách” so với các thị trường khác như Singapore.
Trong khi Hoa Kỳ có cả sự phát triển tài chính cao và mức độ chấp nhận tiền điện tử, thì Hồng Kông đã trưởng thành về mặt tài chính nhưng lại suy yếu trong chỉ số chấp nhận tiền điện tử.
Báo cáo của Chainalysis cũng phân chia hoạt động tiền điện tử theo các giao dịch thông qua sàn giao dịch tập trung, nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) và giao dịch ngang hàng (P2P). Trong đó, các sàn giao dịch tập trung gồm những nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử được sử dụng phổ biến nhất như Binance và Coinbase - là phương tiện giao dịch tiền điện tử chủ yếu ở Trung Quốc, xếp thứ hai về cả tổng số tiền và quỹ bán lẻ được gửi đến các sàn này chỉ sau Ấn Độ. Chainalysis định nghĩa các giao dịch bán lẻ là những giao dịch tiền điện tử trị giá dưới 10.000 USD.
Chainalysis đã không tính đến việc sử dụng mạng riêng ảo (VPN), điều này có thể khiến lưu lượng truy cập giống như đến từ một quốc gia khác, cho thấy các nhà giao dịch tiền điện tử đã bớt lo lắng hơn về việc che giấu các dấu vết của họ trong năm nay. Trên OKX, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử tập trung lớn nhất thế giới tính theo khối lượng giao dịch, có 6,65% lưu lượng truy cập trên máy tính để bàn đến từ Trung Quốc.
Tương tự, dịch vụ DeFi cũng khá phổ biến ở Trung Quốc, lần lượt xếp thứ 6 và thứ 4 về tổng số tiền và quỹ bán lẻ được gửi đến mô hình này. Các sàn giao dịch DeFi được quản lý thông qua việc sử dụng hợp đồng thông minh, không có cơ quan trung ương hoặc máy chủ lưu trữ tiền điện tử cho người dùng.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 10/09/2022
04:00, 03/09/2022
12:00, 31/08/2022
05:00, 25/08/2022