Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 4 cả nước chi hơn 500 triệu USD, các doanh nghiệp trong cả nước nhập khẩu khoảng 800 nghìn tấn xăng dầu các loại.
Xét về lượng, nhập khẩu xăng dầu trong tháng 4 giảm 11,9% so với tháng trước. Còn xét về giá trị, con số 518 triệu USD của tháng 4 cũng giảm 7,8% so với tháng 3.
Tính chung 4 tháng, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại ước đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá ước đạt 1,74 tỷ USD, giảm 35,2% về lượng và giảm 39% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài xăng dầu, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu lớn các mặt hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (4 tỷ USD trong tháng 4 và gần 15,8 tỷ USD trong 4 tháng); Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (3 tỷ USD trong tháng 4 và 11,57 tỷ USD trong 4 tháng); Điện thoại các loại và linh kiện (850 triệu USD trong tháng 4 và 3,64 tỷ USD trong 4 tháng); Vải các loại (1,2 tỷ USD tháng 4 và 4,07 tỷ USD 4 tháng)…
Trong danh sách 10 mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất trong 4 tháng còn có: Sắt thép các loại (3,15 tỷ USD); Chất dẻo nguyên liệu (2,89 tỷ USD); Kim loại thường khác (2,09 tỷ USD); Sản phẩm từ chất dẻo (hơn 2 tỷ USD); Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (1,88 tỷ USD).
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong 4 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 156,81 tỷ USD, tăng 8%. Trong đó xuất khẩu ước đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% và nhập khẩu ước tính đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2019 ước tính thâm hụt 700 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2019, mức thặng dư của Việt Nam đạt 711 triệu USD.
Tuy nhiên, riêng trong tháng 4, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước ước đạt 40,5 tỷ USD, giảm 7,8% so với tháng 03/2019. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 19,9 tỷ USD, giảm 12,6% và trị giá nhập khẩu ước đạt 20,6 tỷ USD, giảm 2,6%.