Kinh tế

Việt Nam giữ vững “phong độ” hút vốn FDI

Nguyễn Thu Hà 07/05/2025 03:34

Dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam 4 tháng đầu năm 2025, phản ánh niềm tin lớn của nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh và vị thế kinh tế của Việt Nam.

Theo số liệu mới nhất do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố ngày 6/5, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đến ngày 30/4/2025 đạt 13,82 tỉ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một con số rất đáng chú ý trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia ngày càng gay gắt và xu hướng dịch chuyển dòng vốn ngày càng phức tạp.

fdi.jpg
Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đặc biệt, vốn đầu tư FDI thực hiện, yếu tố phản ánh tính hiệu quả và thực chất của dòng vốn, đạt 6,74 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ, và cũng là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua cho giai đoạn 4 tháng đầu năm. Điều này cho thấy, không chỉ dừng lại ở cam kết, các nhà đầu tư đã thực sự rót vốn và triển khai dự án tại Việt Nam, tiếp tục đồng hành cùng nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi và phát triển.

Đúng như kỳ vọng, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng trong vốn đăng ký cấp mới, lĩnh vực này đã thu hút 3,39 tỉ USD, chiếm hơn 60% tổng vốn đăng ký. Điều này không chỉ phản ánh định hướng đầu tư chiến lược dài hạn của Việt Nam trong việc phát triển công nghiệp công nghệ cao, mà còn cho thấy khả năng hấp thụ dòng vốn lớn của lĩnh vực này.

Sự hiện diện ngày càng dày đặc của các tập đoàn sản xuất toàn cầu tại Việt Nam, từ điện tử, cơ khí, đến lắp ráp thiết bị công nghệ cao, đã giúp Việt Nam dần khẳng định vị thế là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ cần tiếp tục duy trì đà cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng lao động và hệ sinh thái công nghiệp để không chỉ giữ chân nhà đầu tư mà còn khuyến khích họ mở rộng đầu tư trong dài hạn.

Sau giai đoạn trầm lắng do ảnh hưởng của chính sách tín dụng và thị trường điều chỉnh, bất động sản đã chứng kiến sự trở lại đáng chú ý của dòng vốn FDI. Trong 4 tháng đầu năm, lĩnh vực này thu hút 1,51 tỉ USD vốn đăng ký mới, chiếm gần 27% tổng vốn đăng ký. Nếu cộng cả phần điều chỉnh tăng vốn, con số này lên đến 2,63 tỉ USD, chiếm gần 22% tổng vốn FDI.

Trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư mới tại Việt Nam, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với 1,6 tỉ USD, chiếm gần 29% tổng vốn đăng ký mới. Xếp sau là Trung Quốc (1,52 tỉ USD), Nhật Bản, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc). Sự hiện diện nổi bật của các nhà đầu tư đến từ châu Á cho thấy khu vực này vẫn đóng vai trò chủ lực trong dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Singapore, với vai trò trung tâm tài chính và logistics của khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là “cửa ngõ” để các tập đoàn quốc tế tiếp cận thị trường Việt Nam. Các dự án đầu tư từ đảo quốc này thường có chất lượng cao, đi kèm với công nghệ hiện đại và mô hình quản trị tiên tiến.

Một điểm sáng khác của bức tranh FDI đầu năm 2025 là hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh, với giá trị đạt 1,83 tỉ USD, gấp đôi so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, ngoài xu hướng đầu tư mới, các nhà đầu tư còn quan tâm đến việc thâm nhập sâu vào thị trường nội địa thông qua M&A (mua bán - sáp nhập), từ đó tận dụng hạ tầng sẵn có và nhân lực địa phương.

Đáng chú ý, lĩnh vực khoa học - công nghệ cũng chiếm hơn 21% tổng giá trị góp vốn, cho thấy xu hướng đầu tư vào các ngành nghề tri thức, sáng tạo đang dần hình thành. Đây là dấu hiệu tốt cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang mô hình dựa trên đổi mới sáng tạo, thay vì chỉ dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ.

Mặc dù kết quả FDI 4 tháng đầu năm là tích cực, song để duy trì đà tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch, cạnh tranh và thuận lợi hơn. Những nút thắt về hạ tầng logistics, năng lượng, pháp lý đất đai và chính sách thuế vẫn đang là rào cản mà nhiều doanh nghiệp FDI gặp phải khi triển khai dự án tại Việt Nam.

Nhìn tổng thể, bức tranh FDI 4 tháng đầu năm 2025 mang nhiều gam màu sáng, mở ra kỳ vọng lớn cho tăng trưởng kinh tế cả năm. Trong bối cảnh các động lực truyền thống như tiêu dùng nội địa và xuất khẩu còn chưa thực sự bứt phá, thì FDI chính là điểm tựa quan trọng để giữ vững đà phục hồi.

Với chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cùng chính sách ổn định và nỗ lực cải cách liên tục, Việt Nam đang tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn, an toàn và hiệu quả đối với các nhà đầu tư toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam giữ vững “phong độ” hút vốn FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO