“Trước đây liên lạc với doanh nghiệp lớn của Mỹ người ta không thèm tiếp, nay thì họ tìm đến tận nơi đặt hàng với số lượng lớn mà mình không đủ năng lực đáp ứng, tiếc lắm anh”.
Đấy là thổ lộ của bạn Nguyễn Đào Vinh, Chủ tịch kiêm CEO của Công ty Van Vina (VVN - Vina Valves), một công ty Cơ khí, chuyên sản xuất Van công nghiệp bằng đồng cho hệ thống cấp nước và hệ thống cứu hoả, cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ và Canada.
Thật bất ngờ là trong khi COVID-19 đang hoành hoành, VVN vẫn xuất khẩu Van công nghiệp bằng đồng cho hệ thống cứu hoả sang Canada và Mỹ, đều đặn mỗi tháng 3 chuyến và tới đây là mỗi tháng 4 chuyến. Bạn nào ở Washington DC (Mỹ), có dịp đến nhà trắng, nhìn cái van cứu hoả bằng đồng của hãng Claval (Mỹ) nếu có chữ V nho nhỏ trên thân van thì chính là van của VVN đấy và “V” chính là VIỆT NAM chúng ta đấy (VVN sản xuất OEM độc quyền cho Claval).
Bất ngờ hơn nữa là Van đồng công nghiệp của VVN có tỷ lệ nội địa hoá 100%, không sử dụng bất cứ một linh kiện nhập khẩu nào, độ bền thân van công nghiệp của VVN chịu được áp lực tối đa là 150 bar, cao hơn 1.5 lần tiêu chuẩn quốc tế UL/FM cho dòng sản phẩm này (tiêu chuẩn quốc tế là 100 bar).
Nếu VVN tự khen van của họ thì có thể nhiều người không tin, nhưng đây là lời khen của chính khách hàng Mỹ và Canada: “Chúng tôi không so sánh chất lượng van của VVN với van của Trung Quốc, mà chúng tôi so sánh với van của Italy, của Đài Loan”.
Đáng buồn là hiện tại Việt Nam chúng ta vẫn đang nhập khẩu van cứu hoả với giá cao gấp 3-4 lần so với giá mà VVN xuất khẩu sang Canada và Mỹ, mặc dù chất lượng của hai là tương đương nhau. An ủi phần nào bởi van nước của VVN đã được các công ty cấp nước Việt Nam ở phía Nam chấp nhận, nhờ vậy Việt Nam đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng nhập khẩu van từ Trung Quốc.
Nguyễn Đào Vinh tâm sự: “Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra vô cùng mạnh, đây chính là cơ hội để người Việt xây lên các tập đoàn công nghiệp đủ mạnh đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc, thay thế một phần Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề là người Việt và doanh nghiệp Việt phải liên kết với nhau, cùng nhau tiến ra toàn cầu”.
Trong lúc Nguyễn Đào Vinh đang đau đáu nỗi lo làm sao có đủ nguồn lực để có thể sản xuất với qui mô lớn, đáp ứng các đơn hàng lớn của Mỹ, thì khắp mặt báo, khắp cõi facebook toàn một nỗi lo “dọn ổ đón đại bàng”, lo “Indonesia dọn ổ tốt hơn”, lo “đại bàng Mỹ chuyển sang Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ mất”.
Nên nhớ rằng: Đại bàng ngoại mãi mãi là ngoại, và nó còn có thể biến thành chim sẻ, thậm chí còn có thể vỗ cánh bay đi, còn chim sẻ Việt thì có thể biến thành đại bàng Việt (vào một ngày đẹp trời nào đó) và điều quan trọng là nó không bao giờ vỗ cánh bay đi, nó mang chữ “V” của chúng ta đi chinh phục thế giới.
Vì thế tôi mong rằng các vị lãnh đạo Việt Nam, từ các tỉnh, thành phố đến quốc gia, đừng chỉ chăm chăm lo dọn ổ đón đại bàng ngoại mà hãy dọn ổ và chăm chút cho chim sẻ Việt, không tốt hơn thì chí ít cũng phải ngang bằng.
Hãy dọn ổ và chăm chút chim sẻ Việt, vì chim sẻ Việt là cả đàn triệu con, đông lắm. Hãy tin rằng một ngày đẹp trời sẽ có nhiều chim sẻ Việt biến thành đại bàng Việt tung cánh trên bầu trời toàn cầu, đừng để “Khát vọng Việt là một nỗi đau thế hệ” (câu nói của Nguyễn Đào Vinh).
Có thể bạn quan tâm
11:00, 29/05/2020
05:50, 26/05/2020
11:00, 18/05/2020
05:00, 17/05/2020
11:05, 15/05/2020