Tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh chính là giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh, ngược lại cạnh tranh "bẩn" gây chia rẽ...
Có một câu chuyện về rượu Vodka - mà đến nay nhiều người có lương tri coi đó là sự xấu hổ tột cùng của sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp Việt với nhau.
Dạo năm 2011, nhiều người hốt hoảng vì nghe tin “rượu Vodka Men bẩn hơn cả nước cống”. Bản thân tôi từng sử dụng loại rượu này trong nhiều cuộc hội hè cũng nằm trong hoàn cảnh bức bối đó.
Tại nhiều địa phương xuất hiện nhóm marketing của một doanh nghiệp là chủ của thương hiệu rượu Vodka AvinaA tổ chức test và so sánh hai loại rượu này bằng phương pháp điện phân.
Kết quả sau điện phân, cốc rượu Vodka Men bị vẩn đục, chuyển màu đen, hàm ý nhiễm kim loại nặng, còn rượu Vodka AvinaA vẫn nguyên màu trong suốt!?
Phía công ty chủ thương hiệu Vodka Men làm đơn kiến nghị lên Cục Quản lý cạnh tranh. Sau thời gian dài tranh luận, cuối cùng cơ quan chức năng kết luận, phân tích rượu bằng phương pháp điện phân là không có cơ sở. Và hành động đó bị cho là cạnh tranh không lành mạnh.
Còn rất rất nhiều chiêu trò hạ bệ nhau một cách không quân tử giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau, đến mức bà Vũ Kim Hạnh (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao) nói trong chua chát “đó là những cuộc tổng tiến công và hốt xác trong chớp nhoáng”.
Điều đó cho thấy gì? Tư duy kinh doanh ở hầu hết người Việt Nam mới chỉ khoanh lại trong không gian chật hẹp “chỉ để cho mình”, họ làm ăn chớp nhoáng, chụp giật. Thế nên “thủ đoạn” là công cụ hữu hiệu nhất để biến giấc mơ thượng lưu chóng thành hiện thực.
Do thiếu quyết tâm, hoài bão lớn, ít lòng tự tôn dân tộc nên đa phần sợ hoặc không muốn vươn cao bay xa ra ngoài lãnh thổ. Thị trường trong nước có hạn trong khi số lượng doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng trong 1 thập kỷ trở lại đây.
Quá nhiều kẻ tranh ăn khi miếng bánh ngày một nhỏ lại nên để tồn tại không còn cách nào khác phải dùng thủ đoạn để triệt hạ đối thủ.
Có thể bạn quan tâm
06:55, 17/09/2019
06:10, 16/09/2019
Thể chế, luật pháp tuy nhiều nhưng thiếu chặt chẽ, thi hành luật chỗ “mỏng” chỗ “dày”, kết quả của tình trạng này là sinh sôi quá nhiều doanh nghiệp làm ăn thời vụ, không có chiến lược để phát triển dài hạn.
Môi trường kinh doanh là thứ được nhắc đến nhiều nhất trong quá trình mở cửa hội nhập, Đảng và Chính phủ rất nỗ lực tháo gỡ, gạn đục khơi trong, kết quả thấy rất rõ.
Nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa thực sự được đánh giá cao. Thực tế vẫn cho thấy tình trạng “sân trước, sân sau”, doanh nghiệp vẫn bị “hành”, quá nhiều những cái “bắt tay dưới gầm bàn” hay những mối quan hệ “tiền - quyền”.
Để liên kết cộng đồng doanh nghiệp, phải xuất phát từ động lực của các doanh nghiệp, cần có bàn tay tác động mạnh mẽ của Nhà nước để quá trình này diễn ra nhanh hơn.
Trước tiên, phải tiêu diệt nạn cạnh tranh “bẩn” để sự cạnh tranh lành mạnh có cơ hội nảy nở. Thông qua cạnh tranh sẽ có kẻ được, người mất. Người mất vì yếu, thiếu. Người được vì mạnh, đủ.
Kết quả cạnh tranh sẽ làm cho người mạnh trở nên mạnh hơn, kẻ yếu, không phù hợp bị “chọn lọc tự nhiên”. Vậy các doanh nghiệp nhỏ làm gì để trụ vững trong cạnh tranh?
Không còn cách nào khác là tham gia vào thị trường M&A - mua bán, sáp nhập, quá trình này là thông lệ từ xa xưa trong thế giới kinh doanh cho ra đời những doanh nghiệp lớn, và lớn hơn không ngừng.
Khi sự tích tụ về hàng dọc (cùng ngành) đạt đến mức độ nhất định, nảy sinh nhu cầu bức thiết về quản lý, cơ sở hạ tầng. Để giải quyết khâu này, các doanh nghiệp khác ngành (hàng ngang) bắt đầu liên minh lại để lấy lợi thế của đối phương bù vào điểm yếu của mình.
Sản xuất lớn, cung cấp khối lượng hàng hóa lớn nên buộc phải mở rộng thị trường, khía cạnh này cho ra đời các tập đoàn đa quốc gia, nghiễm nhiên trở thành thương hiệu toàn cầu.
Đó là con đường đi quen thuộc để chúng ta thấy sự hiện diện của những đế chế kinh doanh lớn nhất thế giới hiện nay. Quá trình tích lũy tư bản từ thế kỷ 17 tạo ra tầng lớp “ông chủ” bắt đầu tự do cạnh tranh.
Tự do cạnh tranh phát triển lên độc quyền rồi chuyển sang chủ nghĩa tư bản nhà nước mà hình thức của nó còn tồn tại đến ngày nay, mặc dù được chỉnh sửa nhưng bản chất không mất đi.
Quá trình này rất cần bàn tay của Nhà nước, bằng hệ thống luật pháp, thể chế minh bạch. Cần có cái nhìn thoáng hơn đối với sự phá sản, giải thế doanh nghiệp. Rằng, đó là khi doanh nghiệp vận hành đúng với quy luật kinh tế.
Sự phá sản, giải thể dần dà giúp người kinh doanh đổi mới tư duy, buộc phải bỏ lối làm ăn lẻ tẻ, đơn độc, chụp giật chuyển sang hợp tác, liên kết để tồn tại. Kinh tế thị trường thực thụ chỉ ghi nhận hai trường hợp, một là phá sản, hai là mạnh lên chứ không có tồn tại dạng doanh nghiệp nửa vời!
Doanh nghiệp Việt Nam từng có cơ hội để trở nên lớn hơn, đó là khi chuỗi BigC Việt Nam lên sàn chào bán, nhưng không hiểu vì lý do gì lại rơi vào tay người Thái, cũng giống như trường hợp của Sabeco.
Bởi thực tế cho thấy không thể có một nền kinh tế lớn nếu như không có nhiều doanh nghiệp lớn!