Việt Nam - Nhật Bản: Nâng tầm quan hệ chiến lược

LAM SONG 01/10/2020 05:00

Việc Tân Thủ tướng Nhật Bản dự định chọn Việt Nam cho chuyến công du đầu tiên thể hiện Nhật Bản coi trọng quan hệ đối tác chiến lược của hai nước trong thời gian qua và sắp tới.

Ông Yoshihide Suga tại cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 2/9/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ông Yoshihide Suga tại cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 2/9/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga dự định sẽ thăm Việt Nam và Indonesia vào khoảng giữa tháng 10 tới trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.

Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết nếu chuyến thăm này diễn ra, Thủ tướng Suga dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Cũng theo các nguồn tin trên, Thủ tướng Suga sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu có thực hiện chuyến công du này hay không sau khi đánh giá tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở trong nước và ở hai quốc gia Đông Nam Á nói trên, nơi tình hình dịch bệnh tương đối ổn định.

Kế hoạch thăm hai nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được cân nhắc trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia trong khu vực này.

Hiện tại, Việt Nam là nước Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Indonesia là nước có số dân đông nhất ASEAN, lại là thành viên của G20. Người tiền nhiệm của Thủ tướng Suga Yoshihide là ông Abe Shinzo khi nhậm chức Thủ tướng vào năm 2012 cũng đã chọn Việt Nam là nước thăm đầu tiên.

Dự kiến, nếu quyết định cuối cùng được đưa ra trong những ngày tới, Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia.

Chuyến thăm lần này ngoài mục đích tăng cường quan hệ song phương với các nước, còn tập trung vào thúc đẩy quan hệ giữa các nước ASEAN vì hòa bình và ổn định của khu vực, nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Biển Đông ngày càng gia tăng.

Việc Thủ tướng Suga Yoshihide thăm Việt Nam và Indonesia ngay sau khi nhậm chức còn thể hiện “lời hứa” của ông Suga sẽ kế thừa di sản của người tiền nhiệm là ông Abe Shinzo, đặc biệt trong chính sách ngoại giao. 

Quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Năm 1995, Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đến thăm; năm 2009, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam; năm 2011, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; tháng 5/2016, mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.

Trải qua chặng đường hơn 45 năm, dấu ấn Nhật Bản trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại với Việt Nam ngày càng đậm nét.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số hai (tính theo số lũy kế), đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam (năm 2018).

Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 đạt 29,16 tỷ USD (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó xuất khẩu đạt 14,98 tỷ USD (tăng 8% so với cùng kì năm 2018), nhập khẩu đạt 14,18 tỷ USD (tăng 3,3% so với cùng kì năm 2018).

Về đầu tư, 7 tháng năm 2019, vốn đầu tư của Nhật Bản sang Việt Nam đạt 2,25 tỷ USD. Lũy kế từ trước đến nay, tổng vốn đăng ký của Nhật Bản tại Việt Nam đạt 58,1 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn FDI của cả nước. Các lĩnh vực đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu trong công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, bất động sản…

Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với khoảng 160.000 người. 

Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam.

Việt Nam và Nhật Bản hiện cũng là thành viên của 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi phát triển đối với hoạt động giao thương giữa hai quốc gia.

Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản "ùn ùn" tiến vào Việt Nam

Tại hội thảo - giao thương trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản 2020” diễn ra mới đây, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khẳng định sẽ chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến hoạt động kinh doanh tại của họ.

Có thể thấy, làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không ngừng tăng cả về số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư.

Cụ thể, năm 2018, Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2019, hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2019, Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 59,3 tỷ USD, chiếm 16,7%.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định, Nhật Bản luôn là một trong những quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư. 

Mới đây, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp nước này (trong tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hóa chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.

Một nửa danh sách này là các công ty đăng ký chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, nhỏ và vừa, trong đó, nhiều tên tuổi lớn chọn lĩnh vực đầu tư là sản xuất đồ bảo hộ, sản phẩm phục vụ y tế, như Công ty Able Yamauchi, Công ty TNHH Quốc tế Showe sản xuất áo choàng, găng tay, khẩu trang y tế; Công ty TNHH Techno Global sản xuất tấm chắn mặt y tế; Công ty TNHH Hashimoto Cross sản xuất mũ, khăn ướt, khẩu trang y tế; Công ty TNHH Nikkso sản xuất dây chuyền dịch.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư mở rộng kinh doanh sản xuất. Không chỉ có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mà hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản cũng tăng cường xúc tiến đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư ra các địa phương khác thay vì chỉ tập trung tại Hà Nội và TP.HCM như trước.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã cảnh báo cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 trên khắp toàn cầu có nguy cơ khiến thương mại quốc tế trong năm 2020 sụt giảm ở mức kỷ lục. Tác động của cuộc khủng hoảng lần này có thể sẽ vượt xa so với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Theo ước tính, khối lượng giao dịch toàn cầu có thể giảm 13 - 32% trong năm 2020, sau khi đạt mức tăng 2,9% trong năm 2018 và giảm 0,1% trong năm 2019.

Theo khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á và châu Đại dương của JETRO vào tháng 2/2020, có 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Theo ông Vũ Bá Phú, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc sống thú vị của người chắc ghế tân Thủ tướng Nhật Bản

    03:00, 16/09/2020

  • Ông Yoshihide Suga trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản

    15:02, 14/09/2020

  • Làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không ngừng tăng

    15:00, 09/09/2020

  • Mô hình thành phố thông minh kiểu mẫu tại Nhật Bản

    07:19, 08/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam - Nhật Bản: Nâng tầm quan hệ chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO