Tận dụng cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong đó có Nhật Bản mở ra triển vọng mới cho Hải Dương khi khai thác hết tiềm năng.
Mới đây, Hải Dương đã có buổi làm việc với Hội Chuyên gia Việt Nam - Nhật Bản (Vietnam - Japan Specialist (viết tắt là VJS)) nhằm trao đổi, tìm kiếm các cơ hội hợp tác tại các lĩnh vực thế mạnh giữa hai địa phương.
Tại buổi làm việc, ông Lê Ngọc Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: “Hải Dương là địa phương có hạ tầng giao thông thuận lợi, rất gần cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối gần với sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), ngoài ra còn có sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) đang triển khai đầu tư xây dựng. Cùng với đó, nguồn lao động trẻ tại Hải Dương dồi dào, lượng lao động có tay nghề đã qua đào tạo ngày một tăng cao, chịu khó học hỏi đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác, tỉnh cũng đang từng bước thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics trên địa bàn, đảm bảo giao thương thuận tiện với các địa phương, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực”.
Tại lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Hải Dương cũng là địa phương có nhiều thế mạnh đột phá với nguồn nông sản đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng tốt. Mặt khác, Hải Dương cũng được các doanh nghiệp Đài Loan - đối tác có mối quan hệ khăng khít với VJS đánh giá cao. Chính vì vậy, VJS có đặt nhiều kỳ vọng về tiềm năng xây dựng bến đỗ mới tại Hải Dương.
Giáo sư Trần Đăng Xuân - Chủ tịch Hội Chuyên gia Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch Hội người Việt tại Nam Trung Nhật Bản nhấn mạnh vai trò kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước của Hội Chuyên gia Việt Nam - Nhật Bản và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Hải Dương và các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp ở các tỉnh Kagoshima và Hiroshima có thế mạnh trên lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng quan tâm, có nhu cầu tìm hiểu, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực kho lạnh, ứng dụng trong bảo quản nông sản, đóng tàu, xử lý môi trường, nhất là công nghệ xử lý chảy dầu, rò rỉ hóa chất, nước thải độc hại tại địa bàn tỉnh Hải Dương.
Cũng theo Giáo sư Trần Đăng Xuân, trường Đại học Hiroshima (HU) đang triển khai chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn cho Việt Nam, dự kiến bắt đầu triển khai từ tháng 10/2027. Theo chương trình đào tạo, học viên sẽ học bằng tiếng Anh 2 năm tại HU, 2 năm tại Trường Đại học Idaho (UI). Qua đó, VJS mong muốn có thể hợp tác với ngành giáo dục của Hải Dương trong tuyển sinh, tiếp nhận sinh viên tài năng từ Việt Nam trong thời gian tới.
Sau khi lắng nghe những trao đổi, nhu cầu tìm hiểu, hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, Chủ tịch UBDN tỉnh Hải Dương đề nghị VJS cung cấp các thông tin cụ thể, chi tiết hơn nữa với Hải Dương trong thời gian tới. Đồng thời, phối hợp với các sở ban ngành liên quan để nghiên cứu, triển khai xây dựng phương án hợp tác linh hoạt. Tại lĩnh vực giáo dục, chủ động phối hợp với các trường đại học của Hải Dương để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Mặt khác, cũng cần đảm bảo đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giảm các chi phí liên quan cho người lao động khi sang Nhật Bản làm việc…
Giáo sư Trần Đăng Xuân khẳng định ngay sau buổi làm việc, VJS sẽ thiết lập nhóm liên hệ theo đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu để hiện thực hóa các nội dung dự kiến hợp tác.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng mong muốn tìm hiểu, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực kho lạnh, ứng dụng trong bảo quản nông sản, đóng tàu, xử lý môi trường, nhất là công nghệ xử lý chảy dầu, rò rỉ hóa chất, nước thải độc hại.
Cũng tại buổi làm việc, ông Iri Kazuaki - Tổng Giám đốc Công ty Dentsu Kensetsu (Kagoshima, Nhật Bản) giới thiệu đôi nét về doanh nghiệp. Đồng thời, ông Iri Kazuaki cũng đánh giá cao nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng. Trong quá trình phát triển tại Việt Nam, ngoài văn phòng đã mở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp này đang nghiên cứu mở văn phòng tại Hải Dương, mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, đầu tư vào khu công nghiệp, cùng các cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp khác tại tỉnh.
Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiroshima là 1 trong 5 vùng kinh tế trọng điểm của Nhật Bản. Đặc biệt, nơi đây là địa phương có thế mạnh về công nghiệp bán dẫn với 99 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, sở hữu công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, Nhật Bản đang ngày càng già hóa về dân số mở ra những điều kiện thuận lợi, tạo nhiều cơ hội đưa lao động tay nghề cao của Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng sang Nhật Bản. Chính vì vậy, việc hợp tác khai thác tiềm năng song phương sẽ mở ra nhiều lợi ích mới cho Hải Dương (Việt Nam) với Nhật Bản trong thời gian tới.
Để sớm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, Hải Dương đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, đảm bảo khai thác đúng, trúng, hiệu lực, hiệu quả.