Việt Nam phê chuẩn EVFTA thế nào?

Trần Văn Hai 14/05/2020 11:01

EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiến bộ nhất có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thứ 2 của EU ký kết với các quốc gia Đông Nam Á và là Hiệp định đầu tiên EU ký với nước một nước đang phát triển ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. 

Xuất khẩu của Việt Nam sang EU được dự báo tăng mạnh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ảnh: Quang Vinh

Xuất khẩu của Việt Nam sang EU được dự báo tăng mạnh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ảnh: Quang Vinh

Ngày 12/2/2020 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư đã được Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua. Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu đã quyết định phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Đây là quyết định quan trọng, đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA về phía Liên minh châu Âu. Về phía Việt Nam, nếu hiểu theo nghĩa đơn thuần, theo nguyên tắc đối đẳng, Hiệp định cũng sẽ được Quốc hội phê chuẩn để chính thức có hiệu lực. Tuy vậy, dưới góc độ pháp lý, cần có sự phân tích cụ thể hơn.

Về thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định

Hiệp định EVFTA được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, nhân danh Chính phủ. Khoản 1 Điều 17.16 Hiệp định EVFTA quy định “Hiệp định này phải được các Bên phê duyệt hoặc phê chuẩn phù hợp với thủ tục pháp lý tương ứng của mỗi Bên”. Như vậy, Hiệp định EVFTA không quy định thủ tục bắt buộc mà dẫn chiếu đến pháp luật nội bộ của mỗi bên.

Đối với Việt Nam, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định 02 thủ tục nội bộ có thể thực hiện đó là thủ tục phê duyệt hoặc phê chuẩn. Điều 28 của Luật quy định 3 trường hợp điều ước phải được phê chuẩn, gồm: Điều ước quốc tế có quy định phải phê chuẩn.; Điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định trái với luật, nghị quyết của Quốc hội.

Do đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với nhiều quy định mang tính cởi mở cao, cam kết rộng, có nhiều nội dung quy định tiêu chuẩn cao hơn pháp luật trong nước, trong đó có cả luật, pháp lệnh của Quốc hội và các văn bản của Chính phủ. Vì vậy, phù hợp với khoản 3 Điều 28 Luật Điều ước quốc tế, Hiệp định này cần được phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU từ năm 2010 đến 2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU từ năm 2010 đến 2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là cơ quan nào có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định này. Tuy không được nêu rõ trong Tờ trình của Chính phủ, nhưng có thể hiểu, Chính phủ căn cứ vào các điểm c, d khoản 1 Điều 29 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Hiệp định này cần được trình Quốc hội phê chuẩn khi có những cam kết của Hiệp định trái với luật, nghị quyết của Quốc hội.

Về quy trình phê chuẩn Hiệp định

Để Hiệp định EVFTA được phê chuẩn, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, các cơ quan cần thực hiện quy trình 4 bước sau: (1) Quy trình nội bộ Chính phủ; (2) Quy trình Chính phủ trình Chủ tịch nước; (3) Chủ tịch nước trình Quốc hội; (4) Quốc hội phê chuẩn.

Thứ nhất, đối với quy trình nội bộ của Chính phủ, để có đầy đủ hồ sơ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước trình Quốc hội, Chính phủ cần có quy trình quyết định trình. Quy trình này thường được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu theo quy chế làm việc của Chính phủ. Ngày 6/4/2020, Chính phủ đã trình hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA lên Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội.

Thứ hai, đối với quy trình Chính phủ trình Chủ tịch nước, thông thường cơ quan chủ trì đàm phán Hiệp định, Bộ Công Thương, sẽ là cơ quan được Thủ tướng ủy quyền ký trình Chủ tịch nước. Hồ sơ trình được quy định cụ thể tại Điều 31 Luật điều ước quốc tế năm 2016. Ngày 6/4/2020, Chính phủ đã trình hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA lên Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội.

Thứ ba, trên cơ sở hồ sơ trình của Chính phủ, Chủ tịch nước ký trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định. So với các quy trình khác, quy trình này mang tính tượng trưng.

Thứ tư, về quy trình phê chuẩn của Quốc hội đối với Hiệp định, đây là quy trình tương đối phức tạp.

Trước tiên, Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác của Quốc hội thẩm tra Hiệp định (khoản 1 Điều 33 Luật Điều ước quốc tế). Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với cơ quan đề xuất (Bộ Công Thương) gửi hồ sơ đề nghị thẩm tra Hiệp định để Ủy ban tổ chức thẩm tra. Thời gian thẩm tra trong khoảng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thẩm tra. Thẩm tra được tiến hành thông qua phiên họp thẩm tra, trong đó tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính:

  1. Sự cần thiết phê chuẩn điều ước quốc tế.
  2. Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế.
  3. Tính hợp hiến và mức độ phù hợp với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
  4. Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế.
  5. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế.

Tiếp theo, trước khi được đưa ra Quốc hội biểu quyết phê chuẩn, Hiệp định được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định do cơ quan này chịu trách nhiệm trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.

Cuối cùng, quy trình quan trọng nhất là Hiệp định được trình Quốc hội phê chuẩn. Điều 36 Luật Điều ước quốc tế đã quy định tương đối cụ thể về quy trình phê chuẩn tại Quốc hội. Tuy vậy, theo thông lệ phê chuẩn các điều ước trước đây như WTO, CPTPP…, Quốc hội thường tiến hành phê chuẩn qua 3 bước. Trình bày tại Quốc hội; thảo luận tại tổ; thảo luận tại phiên họp toàn thể và bỏ phiếu phê chuẩn. Phần trình bày tại Quốc hội thường được tiến hành mang tính chất thủ tục, theo đó:

  1. Chủ tịch nước trình bày về đề nghị phê chuẩn điều ước quốc tế.
  2. Đại diện Chính phủ hoặc đại diện cơ quan đề xuất trong trường hợp cơ quan đề xuất không phải là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình bày báo cáo về điều ước quốc tế.
  3. Đại diện cơ quan thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra.

Thảo luận tại tổ không phải là quy trình bắt buộc của Quốc hội (khoản 4 Điều 36 Luật Điều ước quốc tế).

Về quy trình họp toàn thể, phê chuẩn Hiệp định, quy trình này gồm 3 công đoạn: Thảo luận tại phiên họp toàn thể; Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về việc phê chuẩn điều ước quốc tế; Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.

Sau khi Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội ký ban hành nghị quyết, việc phê chuẩn Hiệp định về cơ bản đã hoàn thành. Tuy vậy, cần 02 thủ tục nữa Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA mới có hiệu lực: Lệnh công bố của Chủ tịch nước và đăng tải công báo. Do đây là Nghị quyết quy phạm của Quốc hội nên cần được công bố theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Và vì là văn bản quy phạm pháp luật nên Nghị quyết này phải được đăng công báo trước khi có hiệu lực. Nội dung này cũng được quy định cụ thể tại Điều 60 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải được đăng tải trên Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cổng thông tin điện tử của cơ quan đề xuất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định

Theo khoản 2 Điều 17.16 của EVFTA thì Hiệp định này phải có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực. Các Bên có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác. Đồng thời, các thông báo phù hợp với khoản 2 phải được gửi đến Tổng Thư ký của Hội đồng của Liên minh Châu Âu và đến Bộ Công Thương Việt Nam. Điều này có nghĩa, Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi hai bên hoàn thành các thủ tục thông báo cho nhau.

Do đó, nếu theo quy trình thông thường, khoảng gần 1 tháng sau khi Quốc hội phê chuẩn thì văn bản này mới được gửi tới Liên minh Châu Âu để tính thời điểm có hiệu lực. Và như vậy, khoảng gần 2 tháng kể từ ngày Quốc hội phê chuẩn thì Hiệp định EVFTA mới chính thức có hiệu lực. Điều này có nghĩa, nếu Quốc hội phê chuẩn Hiệp định ngay từ đầu Kỳ họp thứ 9, khóa XIV (dự kiến bắt đầu từ 20/5/2020) thì Hiệp định sẽ có hiệu lực chính thức vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2020.

Có thể bạn quan tâm

  • EVFTA:

    EVFTA: "Cửa ngõ mới" cho đa dạng hóa thị trường

    06:00, 07/05/2020

  • Áp lực EVFTA đến từ công cụ phòng vệ thương mại

    Áp lực EVFTA đến từ công cụ phòng vệ thương mại

    11:01, 21/04/2020

  • Thủ tục cuối cùng với EVFTA đã được Hội đồng châu Âu thông qua thủ tục

    Thủ tục cuối cùng với EVFTA đã được Hội đồng châu Âu thông qua thủ tục

    17:36, 31/03/2020

  • "Đường cao tốc" EVFTA: Doanh nghiệp có tìm được đường vào?

    05:20, 24/03/2020

  • VGT tìm “chất xúc tác” từ EVFTA

    VGT tìm “chất xúc tác” từ EVFTA

    16:33, 26/03/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam phê chuẩn EVFTA thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO