Việt Nam và EU chính thức ký hiệp định tự do thương mại và bảo hộ đầu tư

Diendandoanhnghiep.vn Chiều nay (30/6), Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức được ký kết tại Hà Nội.

 
16h40, Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết. Đại diện Việt Nam là Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ký hiệp định bên EU là Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström và Stefan Radu Oprea, Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Romania.

16h40, Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết. Đại diện Việt Nam là Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ký hiệp định bên EU là Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström và Stefan Radu Oprea, Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Romania.

Tham dự lễ ký EVFTA có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström, Stefan Radu Oprea, Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Romania (Romania là nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU).

Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam, đại sứ châu Âu tại Việt Nam, đại sứ các nước EU tại Việt Nam, và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), và Tổ chức Lao động Thế giới (ILO).

Cao ủy thương mại Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Romania phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Stefan-Radu Oprea sẽ đại diện cho EU ký kết EVFTA tại Hà Nội. 

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ được ủy quyền, đại diện Chính phủ Việt Nam ký vào bản Hiệp định lịch sử này.

Theo thông cáo ngày 25/6, EU nhận định EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do "tham vọng nhất từ trước tới nay" mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc ký kết hiệp định làm tăng cường quan hệ song phương, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế tương mại, cùng mang lại lơi ích cho cả 2 bên.

"15 năm trước, Việt Nam mới chập chững bước vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 26 tỷ USD. Việt Nam vẫn là một đối tác thương mại nhỏ, cần sự hỗ trợ của EU. Và sau 15 năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 10 lần. Việt Nam cùng EU chuẩn bị một giai đoạn mới, giai đoạn của quan hệ lâu dài, cùng bình đẳng, xây dựng trên quy tắc minh bạch, thông thoáng, của một hiệp định tự do thế hệ mới", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) bắt đầu diễn ra tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo nhiều bộ, ngành của Việt Nam. Ảnh:DT

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu trước lễ ký kết. Ảnh: DT

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, việc phải làm sắp tới là phê chuẩn cả hai hiệp định FTA và IPA và để chuẩn bị các bước triển khai hiệu quả cho cả người dân và doanh nghiệp hai bên. “Chặng đường tới đòi hỏi nỗ lực của Liên minh châu Âu, hy vọng các cơ quan liên quan của EU sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn để hai hiệp định EVFTA và IPA có hiệu lực”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Trong giai đoạn đầu ngay khi có hiệu lực, EVFTA sẽ xóa 65% thuế nhập khẩu hàng EU xuất sang Việt Nam, trong khi phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, ở thời điểm đầu có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ, và giai đoạn tiến tới xóa phần còn lại là 7 năm tối đa.

"Tôi chào mừng quyết định ngày hôm nay của các nước thành viên EU. Sau Singapore, thỏa thuận với Việt Nam là việc ký kết thứ hai mà EU thực hiện với một quốc gia Đông Nam Á, và điều này cũng cho thấy bước tiến mới cho việc gắn kết của châu Âu với khu vực...", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker nói.

Theo lịch trình, sau khi được ký kết, hai hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và nghị viện của 28 nước thành viên bỏ phiếu thông qua. Theo đánh giá, EVFTA sẽ được EP thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020. Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là 2 năm để EP và nghị viện của 28 quốc gia thành viên thông qua.

Đối với Việt Nam, EVFTA là hiệp định rất có ý nghĩa, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược về hội nhập của Việt Nam. “Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những tiêu chuẩn rất cao và có tính toàn diện mà cả EU và Việt Nam đã dồn công sức để đàm phán, hoàn tất thủ tục pháp lý”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định.

EVFTA với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo (thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ...) là hiệp định toàn diện và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được gỡ bỏ sau 7 năm, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 28 nước thành viên EU. 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể.

"Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)", Bộ Công Thương đánh giá.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Được khởi động từ tháng 6/2012, đến cuối năm 2015, Việt Nam và EU đã kết thúc quá trình đàm phán và tích cực thực hiện công tác rà soát pháp lý nhằm tiến tới sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đến tháng 9/2017, EU chính thức đưa ra một định dạng mới cho hiệp định sẽ ký kết với Việt Nam. EU đã đề xuất tách FTA thành 2 hiệp định độc lập là EVFTA và EVIPA.

Tháng 6 năm 2018, Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

Tiến trình đàm phán EVFTA và EVIPA

Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 6 năm 2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật

Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:

- Hiệp định Thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.

- Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (Hiệp định IPA). Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

Tháng 8 năm 2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.

Ngày 17 tháng 10 năm 2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.

Ngày 25 tháng 6 năm 2019: Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.

Ngày 30/6/2019: Hiệp định chính thức được ký kết tại Hà Nội.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam và EU chính thức ký hiệp định tự do thương mại và bảo hộ đầu tư tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714157197 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714157197 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10