Chính trị

Việt Nam vượt qua khó khăn bằng trí tuệ và bản lĩnh

Hằng Thy 06/04/2025 10:00

Phát huy văn hóa và trí tuệ Việt Nam để có giải pháp sáng tạo, chủ động, kịp thời, thích ứng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả với thách thức, khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, sáng 6/4/2025.

doimat.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tăng trưởng GDP quý I vượt kỳ vọng

Phiên họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, công tác giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình 3 mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; các nhiệm vụ, trọng tâm thời gian tới; và một số nội dung quan trọng khác.

Theo báo cáo tại phiên họp, tình hình kinh tế - xã hội trong quý I/2025 tiếp tục chuyển biến tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.

Đặc biệt, GDP quý I đạt mức tăng trưởng 6,93%, cao nhất trong 5 năm qua và vượt kịch bản tăng trưởng ban đầu, dù vẫn thấp hơn mục tiêu cập nhật. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, việc Việt Nam duy trì tăng trưởng cao trong khu vực và quốc tế là tín hiệu rất tích cực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Cả ba khu vực kinh tế – công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ – đều tăng trưởng tích cực, trong đó nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, chỉ số hạnh phúc quốc gia tăng vượt bậc.

Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, hiệu quả, góp phần củng cố vị thế đất nước và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững.

Tái định hướng thị trường xuất khẩu

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã bước qua 1/4 chặng đường của năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, với cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt và nhạy cảm.

Đáng chú ý, việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan đối ứng đã làm leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu, đe dọa gây đứt gãy chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế. Diễn biến này khiến nhiều quốc gia có phản ứng khác nhau, trong khi thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt sụt giảm, tác động tiêu cực tới tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.

Trước những thách thức trên, ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp cần thiết. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các bộ, ngành liên quan đã tích cực giao thiệp với phía Mỹ, thông qua tất cả các kênh chính trị và ngoại giao nhằm xử lý tình huống một cách kịp thời, hiệu quả.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm duy trì và thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ. Các biện pháp bao gồm nghiên cứu khả năng giảm thuế nhập khẩu, mở rộng hoạt động mua hàng hóa, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Việt Nam.

Chính phủ cũng tích cực giải quyết các yêu cầu chính đáng từ phía Hoa Kỳ trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, vì sự phát triển bền vững của cả hai bên.

Cùng với đó, Việt Nam tăng cường chia sẻ, hợp tác với các đối tác khác trong việc thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Quan hệ kinh tế - thương mại với Mỹ được đặt trong tổng thể chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, bao gồm các đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế khác.

“Các giải pháp là rất tích cực, nhưng cũng giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh khi gặp khó khăn, các cú sốc từ bên ngoài, phát huy văn hóa và trí tuệ Việt Nam để có giải pháp sáng tạo, chủ động, kịp thời, thích ứng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Cách tiếp cận, xử lý vấn đề mang tính tổng thể, toàn diện, vừa có trước mắt, vừa có lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, cả diện rộng và có trọng điểm, cả biện pháp thương mại và phi thương mại để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc”. - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng nêu rõ, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng không phải là duy nhất; đồng thời đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng các mặt hàng để xâm nhập vào các thị trường khác còn nhiều tiềm năng, như Trung Đông, Đông Âu, Trung Á, Mỹ La tinh, Ấn Độ, ASEAN…

Sáng 3/4, Chính phủ đã họp và báo cáo Bộ Chính trị tổng thể tình hình và các giải pháp ứng phó, trong đó chú trọng giao thiệp với phía Mỹ, đề nghị tạm thời chưa áp thuế đối ứng để đàm phán cụ thể.

Ngày 5/4, Thường trực Chính phủ tiếp tục họp với các cơ quan liên quan để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.

Kiên định phát triển, thận trọng trước khó khăn

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trong tháng 3 và quý I vừa qua, các cấp, ngành và địa phương đã nỗ lực triển khai quyết liệt các nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các đơn vị đã đặc biệt tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, thứ nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số trong những năm tới, hướng tới hoàn thành hai mục tiêu 100 năm. Thứ hai là tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. Thứ ba là rà soát, hoàn thiện các văn kiện và chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Thứ tư, Chính phủ tập trung triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng với Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Cuối cùng, công tác chuẩn bị tổ chức các ngày lễ lớn của đất nước cũng được triển khai chu đáo, trang trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phát triển toàn diện, trong đó trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao đời sống nhân dân theo hướng năm sau tốt hơn năm trước, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không được chủ quan, lơ là trước những khó khăn, thách thức đang hiện hữu. Trong đó có sức ép lớn trong điều hành tỷ giá, lãi suất; sức mua trên thị trường phục hồi chậm; bất cập trong chính sách đất đai, thị trường bất động sản chưa được xử lý dứt điểm; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn cùng kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện bối cảnh và tình hình thời gian qua; hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh cần làm rõ những kết quả nổi bật, cảm xúc tích cực cũng như những trăn trở, băn khoăn; đồng thời phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình thời gian tới.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 4 và quý II, bao gồm cả việc cần làm ngay, giải pháp trước mắt và định hướng lâu dài. Đặc biệt, cần làm rõ các giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên.

Cùng với đó, cần tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; không được lơ là công việc trong quá trình tổ chức lại đơn vị hành chính. Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 57 và 59 của Bộ Chính trị; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phát huy 3 động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam vượt qua khó khăn bằng trí tuệ và bản lĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO