Sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe công nghệ và Covid-19 đã khiến CTCP Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun - bị lỗ kỷ lục 210 tỷ đồng trong năm 2020.
CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, Mã: VNS) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu thuần doanh nghiệp đạt 262 tỷ đổng, giảm 41%; lỗ sau thuế 25 tỷ đồng trong khi quý IV/2019 doanh nghiệp lãi 15 tỷ đồng.
Trong kỳ, các chi phí của Vinasun cũng đồng loạt giảm mạnh như chi phí quản lý tài chính giảm 30%, chi phí bán hàng giảm 41% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 45% so với cùng thời điểm năm 2019.
Giải thích khoản lỗ 25 tỷ đồng sau thuế trong quý IV/2020, lãnh đạo Vinasun cho biết do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho doanh thu từ dịch vụ taxi của hãng sụt giảm mạnh.
Luỹ kế năm 2020, Vinasun đạt 1.006 tỷ đồng doanh thu, giảm 49% so với năm 2019. Lỗ sau thuế 211 tỷ đồng trong khi năm liền trước doanh nghiệp báo lãi 109 tỷ đồng.
Năm 2020, Vinasun dự kiến đạt doanh thu 1.180 tỉ đồng, giảm 41% so với thực tế năm 2019 và là năm giảm thứ 4 liên tiếp; lỗ sau thuế cả năm 115 tỉ đồng. Như vậy, với thực tế kết quả bên trên, Vinasun mới thực hiện được 85% mục tiêu doanh thu năm và lỗ vượt dự toán 83% so với kế hoạch.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vinasun là hơn 2.058 tỷ đồng, giảm 22% so với đầu năm. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 10% lên hơn 172 tỷ đồng.
Cuối quý IV/2020, nợ phải trả của Vinasun là 574 tỷ đồng, giảm 39% so với con số hồi đầu năm. Trong đó dư nợ vay ngắn hạn gần 263 tỷ đồng, giảm 41% và dư nợ vay dài hạn gần 312 tỷ đồng, giảm 36%.
Ngày 5/4/2021 vừa qua, cổ phiếu VNS đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đưa vào diện cảnh báo vì lí do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2020 âm hơn 207 tỉ đồng.
Sự kinh doanh sa sút của dịch vụ taxi và xe ôm truyền thống đã quá rõ ràng. Vinasun là một điển hình. Một thời Vinasun là doanh nghiệp taxi đầu ngành, sau khi lên sàn giá cổ phiếu VNS của Vinasun ở mức khá cao (năm 2014 nhiều thời điểm giá cổ phiếu VNS của Vinasun trên 50.000 đồng). Nhưng đến thời điểm này, giá cổ phiếu VNS sa sút chỉ dừng ở mức quanh tham chiếu.
Năm 2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp sẽ là lực cản lớn với Vinasun. Triển vọng cải thiện nhu cầu đi lại từ nay đến cuối năm chưa khả quan, bởi ngay cả trong kịch bản vắc-xin có thể sớm được tiêm chủng đại trà, thì thời gian để các hoạt động vận tải, du lịch trở lại như trước khi có dịch bệnh cũng phải được tính bằng năm.
Khó khăn nữa mà Vinasun phải đổi mặt đến từ các hãng taxi công nghệ. Thực tế, đây không phải là khó khăn mới, mà đã kéo dài suốt nhiều năm qua.
Để ứng phó với xu hướng tiêu dùng mới, những năm qua, Vinasun đã thực hiện nhiều giải pháp như phát triển ứng dụng đặt xe, triển khai phát triển phương thức thanh toán online, nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý và điều hành xe thông qua GPS kết hợp với khai thác thế mạnh của việc điều xe qua hệ thống tổng đài - điều mà các hãng công nghệ không có. Đồng thời, Công ty đẩy mạnh các mảng hoạt động phụ trợ như quảng cáo trên taxi…
Cuộc cạnh tranh giữa mô hình taxi truyền thống với các ứng dụng đặt xe thực chất chính là đại diện của 2 mô hình kinh tế cũ và mới, trong đó mô hình kinh tế cũ gặp rất nhiều bất lợi trước mô hình mới là kinh tế số. Kinh tế số với sự ứng dụng công nghệ và tận dụng các tiện ích mang đến nhiều lợi thế cạnh tranh hơn và nhiều lợi ích hơn cho công việc kinh doanh và người dùng.
Trên thực tế, không ít hãng taxi truyền thống sau đó cũng chạy theo bằng việc đưa ra các ứng dụng đặt xe của riêng mình, thậm chí có cả khuyến mãi, nhưng về thực chất thì lại mang tính nửa vời, cho thấy việc chuyển đổi số không tới nơi tới chốn. Yếu tố điển hình nhất chính là các tài xế taxi truyền thống của một số hãng, rất lười nhận đặt cuốc xe qua ứng dụng.
Có thể bạn quan tâm