Vĩnh Phúc chú trọng tăng nguồn thu ngân sách từ sản xuất

NGUYỄN VIỆT 28/12/2022 21:08

Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng tăng nguồn thu ngân sách từ sản xuất, đây là nguồn thu bền vững. Tỉnh không khuyến khích tăng trưởng ngân sách từ đất, tài nguyên.

>>Vĩnh Phúc chọn du lịch và dịch vụ làm ngành kinh tế mũi nhọn

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2022 đánh giá về công tác quản lý nhà nước năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ thực hiện trong năm 2023, ngày 27/12.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành. Ảnh: Nguyễn Việt

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành. Ảnh: Nguyễn Việt

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đánh giá, nhiều địa phương tăng trưởng cao hơn Vĩnh Phúc nhưng lại có sự “trồi sụt”. Đơn cử, năm 2021 Đà Nẵng tăng trưởng 0,18%, năm 2022 tăng 14%. Khánh Hoà năm 2021 âm 6%, năm 2022 lại tăng hơn 20%.

Duy trì tăng trưởng ổn định

Tuy nhiên, với kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định, duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định là một trong những nhiệm vụ rất khó khăn. “Nếu tăng giảm đột biến, không ổn định sẽ tạo ra những biến động lớn đến đời sống xã hội”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh.

Quán triệt định hướng tăng trưởng bền vững, trong năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế Vĩnh Phúc đạt 9,54%. Điều quan trọng hơn, Vĩnh Phúc luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm, thậm chí ngay trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất.

Chia sẻ về những "điểm sáng" trong công tác quản lý nhà nước năm 2022 của Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết, GRDP xếp thứ 9 toàn quốc, thu ngân sách “cán mốc” 40.000 tỷ đồng, cơ cấu tín dụng tập trung cho vay sản xuất, nợ xấu dưới 0,8% tổng dư nợ.

“Đặc biệt, trong tổng số thu ngân sách 40.000 tỷ đồng của tỉnh thì có trên 33.000 tỷ đồng là tiền thuế thu từ nội địa. Một số địa phương có tỉ lệ thu thuế xuất nhập khẩu cao, như Hải Phòng, Quảng Ninh… Nhưng số thu này 100% điều tiết về trung ương”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành bày tỏ.

Vẫn theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, cơ cấu thu từ sản xuất của Vĩnh Phúc trên 80%. Trong khi một số địa phương thu trên 50.000 tỷ đồng, nhưng hơn 50% nguồn thu là từ đất.

“Quan điểm của Vĩnh Phúc là không khuyến khích tăng nguồn thu từ đất, tài nguyên mà phải đến từ sản xuất. Trong tổ số nguồn thu ngân sách 40.000 tỷ đồng thì có đến 90% thu từ sản xuất”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định.

"Điểm sáng" nổi bật khác của Vĩnh Phúc là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 5, chuyển đổi số xếp thứ 12 toàn quốc. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng giải thưởng địa phương xuất sắc trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư sau 2 năm đạt 1,6 tỷ USD (gần đạt mục tiêu nhiệm kỳ từ 2 – 2,5 tỷ USD).

>>Vĩnh Phúc: Phát huy thế mạnh để thu hút dòng vốn đầu tư từ Singapore

>>Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp xanh

GRDP Vĩnh Phúc xếp thứ 9 toàn quốc, thu ngân sách “cán mốc” 40.000 tỷ đồng, cơ cấu tín dụng tập trung cho vay sản xuất, nợ xấu dưới 0,8% tổng dư nợ. Ảnh: Nguyễn Việt

GRDP Vĩnh Phúc xếp thứ 9 toàn quốc, thu ngân sách “cán mốc” 40.000 tỷ đồng, cơ cấu tín dụng tập trung cho vay sản xuất, nợ xấu dưới 0,8% tổng dư nợ. Ảnh: Nguyễn Việt

Cũng tại phiên họp này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua Dự thảo Chương trình công tác năm 2023 với 160 nhiệm vụ, cùng các chỉ tiêu cụ thể, như tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 8,0 - 9,5%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội chiếm khoảng 30% - 35% GRDP, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 32.398 tỷ đồng. Thu hút 400 triệu USD vốn FDI và 5.000 tỷ đồng vốn DDI, tỷ lệ dân số đô thị đạt 48%.

Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy chuẩn môi trường ở khu vực nông thôn đạt 76%; dân số đô thị loại IV được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 94%; tỷ lệ hộ nghèo còn 1%; giải quyết việc làm mới cho khoảng 17 nghìn lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%...

Để đạt được các chỉ tiêu này, UBND tỉnh đề ra các nhóm giải pháp cụ thể, trong đó tập trung xử lý các điểm nghẽn, bám sát tình hình trong và ngoài nước để kịp thời điều hành phù hợp.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đặc biệt đối với các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao; tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.

Tháo tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực

UBND tỉnh đã thông qua các Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành danh mục loại dự án đầu tư xây dựng được áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Trong tổng số 40.000 tỷ đồng nguồn thu ngân sách thì có trên 33.000 tỷ đồng là tiền thuế thu từ nội địa. Ảnh: Nguyễn Việt

Trong tổng số 40.000 tỷ đồng nguồn thu ngân sách thì có trên 33.000 tỷ đồng là tiền thuế thu từ nội địa. Ảnh: Nguyễn Việt

Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; Báo cáo tổng hợp kết quả xử lý vi phạm pháp Luật đất đai theo Kế hoạch số 54 của UBND tỉnh.

Báo cáo công tác giải phóng mặt bằng năm 2022; Đề án Phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động tại Bệnh viện Giao thông vận tải Vĩnh Phúc; Đề án Làng văn hóa kiểu mẫu nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2023 – 2025.

Đề án Tăng cường công tác cai nghiện ma túy tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh giai đoạn 2023 - 2030; Báo cáo kết quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

UBND tỉnh đã thông qua Quyết định 2471 về giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2023, Quyết định 2472 về việc giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các huyện, thành phố.

Về nội dung giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu trên cơ sở kế hoạch UBND tỉnh giao, các cấp, các ngành bắt tay tổ chức thực hiện ngay từ tháng đầu của năm. Trong đó, cần rà soát, tiếp tục tháo tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh, năm 2022 công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh ghi nhận 10 điểm sáng.

Thứ nhất, phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới rõ nét.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, phân công, phân quyền, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính nhà nước thông qua công tác kiểm tra, giám sát.

Thứ tư, đổi mới hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thông qua giám sát, chất vấn có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ năm, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ sáu, các chỉ số kinh tế có nhiều khởi sắc.

Thứ bảy, cải cách hành chính đi vào chiều sâu.

Thứ tám, văn hóa, du lịch, thể thao có nhiều khởi sắc.

Thứ chín, ngành giáo dục và đào tạo đạt thành tích cao.

Thứ mười, các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm.

Có thể bạn quan tâm

  • Vĩnh Phúc chọn du lịch và dịch vụ làm ngành kinh tế mũi nhọn

    14:46, 03/12/2022

  • VIMC "bắt tay" T&Y SuperPort phát triển ICD Vĩnh Phúc thành trung tâm trung chuyển

    14:03, 26/11/2022

  • Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: 20 năm một chặng đường phát triển

    14:50, 14/11/2022

  • Vĩnh Phúc cam kết hỗ trợ dự án Cảng cạn Suppertport

    10:34, 31/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vĩnh Phúc chú trọng tăng nguồn thu ngân sách từ sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO