Công dân Vĩnh Phúc gặp khó khăn cần được hỗ trợ y tế và đời sống tại các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg sẽ được hỗ trợ từ 10 - 20kg gạo/người và 1.000.000 đồng tiền mặt/người.
Đây là thông tin được ông Đỗ Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc gửi đến Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, trong Công văn hỏa tốc Số: 1344 /STTTT-TTBCXB về việc tuyên truyền Kế hoạch 208/KH-BCĐ về việc tổ chức hỗ trợ người dân Vĩnh Phúc gặp khó khăn tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 17/8.
Cụ thể, đối tượng được hỗ trợ là công dân Vĩnh Phúc gặp khó khăn cần được hỗ trợ y tế và đời sống tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Định mức hỗ trợ và cách thức nhận hỗ trợ: Hỗ trợ bằng gạo: 10 - 20kg/người (không trực tiếp).
Người dân đến nhận hỗ trợ gạo tại các địa điểm tập kết và cấp phát gạo tại mỗi tỉnh, thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg phải xuất trình thẻ căn cước hoặc giấy tờ tùy thân chứng minh là công dân Vĩnh Phúc, đơn xin hỗ trợ (theo mẫu hoặc viết tay).
Mức hỗ trợ bằng tiền 1.000.000 đồng/người. Căn cứ vào danh sách đã được rà soát, UBND các huyện, thành phố sẽ thực hiện việc hỗ trợ bằng tiền theo cách trực tiếp, gián tiếp hoặc chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chuyển tiền trực tiếp cho công dân hoặc qua người thân của công dân cần được hỗ trợ.
Thời gian thực hiện hỗ trợ trong suốt thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CTTTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền khẩn trương rà soát, cung cấp danh sách và số điện thoại đầu mối liên hệ của các địa điểm tập kết, cấp phát gạo được thiết lập tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện chỉ đạo, truyền thông rộng rãi đến công dân Vĩnh Phúc tại những địa bàn đó biết, liên hệ, tiếp nhận hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, Đài Truyền thanh cấp xã và các hình thức truyền thông cơ sở khác trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, như qua hệ thống loa truyền thanh; tuyên truyền lưu động; qua các trang mạng xã hội; qua trang thông tin điện tử của đơn vị… để thông tin hỗ trợ đến với công dân Vĩnh Phúc một cách chính xác, đầy đủ và sớm nhất.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ truyền thông rộng rãi các nội dung trên để công dân Vĩnh Phúc hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn biết, tiếp nhận hỗ trợ khi gặp khó khăn.
Tính đến ngày 16/8, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức phát động ủng hộ công dân Vĩnh Phúc sinh sống, làm việc tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội gặp khó khăn với tổng số tiền gần 9,6 tỷ đồng.
Cụ thể, huyện Vĩnh Tường 3 tỷ 108 triệu đồng, Yên Lạc 2 tỷ 576 triệu đồng, Sông Lô 1 tỷ 48 triệu đồng, Bình Xuyên 868 triệu đồng, Lập Thạch 627 triệu đồng, Tam Dương 464 triệu đồng, Tam Đảo 102 triệu đồng; các thành phố Phúc Yên 621 triệu đồng, Vĩnh Yên 180 triệu đồng.
Qua rà soát sơ bộ của Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, tổng số công dân Vĩnh Phúc đang sinh sống, làm việc tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là 14.642 người, trong đó, gặp khó khăn về đời sống 12.257 trường hợp, khó khăn về y tế 1.737 trường hợp cần được hỗ trợ.
Đã có 3/9 đơn vị chốt số lượng công dân cần được hỗ trợ là Yên Lạc (2.761 người); Vĩnh Yên (110 người), Bình Xuyên (672 người); các đơn vị còn lại đang khẩn trương cập nhật danh sách, đảm bảo không để người dân nào gặp khó khăn mà không được hỗ trợ.
Toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ bằng gạo, như Huyện Vĩnh Tường hỗ trợ gần 53 tấn gạo cho hơn 2.600 công dân thông qua đầu mối công dân Vĩnh Tường tại TP.HCM; huyện Lập Thạch hỗ trợ hơn 3,7 tấn gạo cho 187 công dân thông qua đầu mối là Công ty TNHH Cơ điện Minh Khoa.
Thành phố Vĩnh Yên hỗ trợ hơn 3,1 tấn gạo cho 157 công dân thông qua đầu mối là ông Trần Đức Thắng tại TP.HCM; huyện Sông Lô thông qua đầu mối là ông Triệu Xuân Hòa tại TP.HCM để thực hiện hỗ trợ công dân.
Huyện Bình Xuyên hỗ trợ 3 tấn gạo vào TP.HCM thông qua đầu mối là Công ty TNHH Dịch vụ Luka, đồng thời, UBND huyện đã có văn bản đề nghị quận Phú Nhuận, quận 12, TP.HCM tạo điều kiện để Công ty Dịch vụ Luka vận chuyển, hỗ trợ cho công dân huyện Bình Xuyên; thành phố Phúc Yên thông qua đầu mối là 5 hộ gia đình người Phúc Yên tại TP.HCM để thực hiện hỗ trợ công dân của thành phố.
Huyện Yên Lạc đã thực hiện xong việc cấp phát 3 tấn gạo cho 150 người dân Yên Lạc tại Thành phố Hồ Chí Minh thông qua đầu mối là 3 công dân Yên Lạc tại TP.HCM; các huyện Tam Dương, Tam Đảo đang liên hệ kết nối với đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện hỗ trợ công dân.
Tính đến ngày 16/8, các đơn vị đã thực hiện hỗ trợ tiền, gồm huyện Lập Thạch 187 triệu đồng cho 187 người dân tại TP.HCM; thành phố Phúc Yên hỗ trợ 36 người thông qua Ngân hàng NN&PTNT trước ngày 14/8 với định mức 2 triệu đồng/người, hiện nay đang tạm dừng để thực hiện theo kế hoạch của tỉnh. Các đơn vị còn lại đang xây dựng kế hoạch, rà soát, chốt số lượng nhân khẩu để tổ chức triển khai sớm nhất hỗ trợ tiền mặt cho công dân.
Trước đó, tại cuộc họp với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc để bàn, thống nhất phương án hỗ trợ người dân Vĩnh Phúc tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh phía Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc trong triển khai các hình thức đón công dân về địa phương cũng như vận động hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn tại các tỉnh, thành phố có dịch.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu các huyện, thành phố từ cách làm của huyện Vĩnh Tường chủ động chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ phù hợp cho công dân thuộc địa phương mình, bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, trong thời gian sớm nhất.
Có thể bạn quan tâm
Vĩnh Phúc: Chung sức, đồng lòng cùng TP.HCM đẩy lùi đại dịch Covid-19
00:28, 16/08/2021
Vĩnh Phúc: Xử lý nghiêm cơ sở karaoke không chấp hành quy định chống dịch
16:00, 15/08/2021
Vĩnh Phúc sẵn sàng tiếp nhận người dân trở về quê hương
11:00, 22/07/2021
Vĩnh Phúc: Chính quyền “động thái nhỏ”, doanh nghiệp “an tâm lớn”
20:04, 06/07/2021
Vĩnh Phúc: Các trung tâm giáo dục được hoạt động trở lại
23:52, 02/07/2021