Các startup thương mại điện tử và vận chuyển vẫn huy động được hàng trăm triệu USD mặc ảnh hưởng của COVID-19.
Lượng đầu tư vào các startup Đông Nam Á đã tăng vọt trong quý thứ 2 của năm mặc ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Nhận được nhiều vốn nhất là nhóm các công ty về thương mại điện tử và công nghệ tài chính trong bối cảnh dịch COVID-19 buộc mọi người phải ở nhà và làm việc từ xa.
Theo dữ liệu được tổng hợp bởi Dealstreetasia, giá trị các thỏa thuận huy động vốn trong khu vực tăng 91% trong năm nay lên 2,7 tỷ USD, trong khi đó lượng giao dịch tăng 59% lên 184 giao dịch chỉ trong riêng quý 2, từ mức 116 giao dịch cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là quý 2 chính là thời điểm nhiều quốc gia rơi vào trạng thái phong tỏa.
Kể từ giữa năm 2010, sự bùng nổ huy động vốn ở Đông Nam Á đã được dẫn đầu bởi Grab của Singapore và Gojek của Indonesia – 2 công ty gọi xe lớn nhất trong khu vực. Trong quý đầu tiên của năm 2020, tổng cộng 2 công ty này đã huy động hơn 2 tỷ USD, chiếm 70% tổng lượng huy động vốn của cả khu vực.
Tuy nhiên, dữ liệu trong quý 2 lại chỉ ra một bức tranh khác: Dẫn đầu khu vực là lĩnh vực thương mại điện tử, huy động được 691 triệu USD, vận chuyển, 360 triệu USD và công nghệ tài chính, 496 triệu USD.
Công ty huy động vốn lớn nhất trong quý vừa qua là Tokopedia – đã huy động được 500 triệu USD từ quỹ Temasek của Singapore.
Tiki – startup thương mại điện tử của Việt Nam cũng huy động được 130 triệu USD trong một thỏa thuận dẫn đầu bởi Northstar Group.
Khi nhu cầu mua sắm tăng lên ở Đông Nam Á, vận chuyển cũng là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư. Startup Ninja Van của Singapore vào tháng 5 đã tuyên bố huy động thêm 279 triệu USD trong khi đó Kargo Technologies của Indonesia huy động được 31 triệu USD.
Công nghệ tài chính cũng là một ngôi sao đang lên. Voyager Innovationes – công ty mẹ của ứng dụng thanh toán Paymaya đã huy động được 120 triệu USD vào tháng 4 từ những cổ động hiện tại gồm cả công ty quỹ KKR của Mỹ và gã khổng lồ Tencent của Trung Quốc.
Tại Myanmar, Digital Money – được biết đến với thương hiệu Wave Money tuyên bố vào tháng 5 rằng chi nhánh Ant Group của Alibaba đã đầu tư 73,5 triệu USD vào công ty này. Wave Money là nhà cung cấp dịch vụ tài chính di động dẫn đầu tại Myanmar, cho phép mọi người chuyển tiền kỹ thuật số thay vì mang tiền mặt. Năm 2019, Wave Money đã chuyển tổng cộng 4,3 tỷ USD tại Myanmar, gấp 3 lần con số tương tự vào 1 năm trước.
Startup công nghệ tài chính có trụ sở ở Bangkok là Synqa Holdings đã huy động 80 triệu USD từ các nhà đầu tư Thái Lan và Nhật Bản. "Mặc dù đang trong giai đoạn khó khăn nhưng tôi thấy có rất nhiều cơ hội trong việc đẩy nhanh thanh toán kỹ thuật số và chuyển đổi kỹ thuật số cho doanh nghiệp", theo CEO Synqa.
Trong khi những startup kể trên nắm bắt được các cơ hội trong đại dịch, một số khác hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển và du lịch lại rơi vào cảnh khó khăn buộc phải giảm chi phí để sống sót.
Dẫu vậy, một vài công ty vẫn huy động được một khoản tiền lớn. Gojek đã huy động được 300 triệu USD, trong khi đó kỳ lân Traveloka đã huy động thêm 100 triệu USD trong quý 2 của năm nay. Cả 2 công ty đều phải sa thải đáng kể nhân viên để giảm gánh nặng chi phí.
Trong tương lai, khi mà đại dịch vẫn có tiềm năng kéo dài, các thỏa thuận ở Đông Nam Á có thể chậm lại. "Sắp tới, chúng tôi dự kiến nguồn vốn có thể thắt chặt hơn, đặc biệt là ở những vòng gọi vốn về sau được dẫn dắt chủ yếu bởi các nhà đầu tư quốc tế. Khủng hoảng toàn cầu và lệnh cấm du lịch sẽ ảnh hưởng tới khẩu vị đầu tư".