VTP: Phong độ hay đẳng cấp?

Lê Mỹ 30/11/2018 11:45

Lên sàn vào phiên 23/11, cổ phiếu của Tcty Bưu chính Viettel (Viettel Post, UPCoM: VTP) đã có những phiên khởi đầu ấn tượng.

 Dù vậy, giới đầu tư vẫn đặt dấu hỏi về phong độ dài hơi của doanh nghiệp này. Sau 2 phiên chào sàn, vốn hóa của VTP đã tăng từ 2.800 tỷ đồng lên 3.939 tỷ đồng, thị giá cổ phiếu VTP chốt phiên 26/11 tăng gần gấp đôi lên 109.400đ/cp.

p/Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VTP

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VTP

Hưởng lợi nhờ bùng nổ thương mại điện tử

Chưa bao giờ dịch vụ chuyển phát nhanh ở Việt Nam có đất ăn nên làm ra như hiện nay. Đây là giai đoạn mà hàng chục trang, sàn thương mại điện tử (TMĐT) cùng chạy đua phục vụ nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng. Cùng với đó là các trang bán hàng có đăng ký hoặc thậm chí không đăng ký với Bộ Công thương, hay bán hàng online tự phát trên các mạng xã hội...

Báo cáo Chỉ số Thương mại Điện tử Việt Nam 2018 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, tính đến hết Quý III/2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu TMĐT năm 2018 đã tăng trên 25% so với năm 2017. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, tốc độ này còn có xu hướng đi lên trong những năm sắp tới. Các ngành đứng đầu về tốc độ tăng trưởng doanh thu phải kể đến bán lẻ trực tuyến - thông tin (35%), dịch vụ chuyển phát (62 - 200%).

Có thể thấy dịch vụ chuyển phát mới chính là nhóm được hưởng lợi lớn nhất trong nền kinh tế số đang được chỉ báo mạnh nhất tại nhóm kinh doanh TMĐT.

Theo đó, VTP cùng với Vietnam Postel, có lẽ là những “ông lớn” được hưởng lợi lớn nhất với mạng lưới hạ tầng cứng bao gồm các vấn đề “phủ” thị trường giao nhận- logistics mà hai đơn vị này đã có nền tảng, truyền thống lẫn kinh nghiệm.

117 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế của VTP trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể theo báo cáo công bố thông tin niêm yết, VTP có mạng lưới rộng khắp cả nước với 1.300 bưu cục, 17.000 cán bộ công nhân viên và hơn 500 xe ô tô các loại phục vụ cho việc vận chuyển bưu phẩm và hàng hóa đến mọi vùng miền. Đặc biệt, vào cuối năm 2018, VTP bắt đầu tiếp nhận và triển khai cung ứng dịch vụ bưu chính tại 1.000 cửa hàng trực tiếp và hơn 6.000 điểm giao nhận. Số lượng cửa hàng tăng lên trung bình hàng năm từ 2013 – 2018 là 67,59%. Ngoài ra, đơn vị này còn triển khai mạng lưới logistics khá mạnh tại Đông Nam Á.

Nhờ đó, thị phần chuyển phát của VTP tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh từ 8% lên 21,3% năm 2016 và ước tính khoảng 25,7% năm 2017. Dự kiến đến năm 2020, VTP chiếm 35%-37% thị phần chuyển phát trên cả nước.

Nhà đầu tư trả giá cao cho kỳ vọng mới?

Với tăng trưởng thị phần mạnh mẽ, VTP cũng ngày càng khởi sắc trong ghi nhận doanh thu, đặc biệt doanh thu từ mảng dịch vụ - thu chuyển phát; đây cũng là mảng trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của VTP hiện nay.

Báo cáo tài chính bán niên 2018 của VTP thể hiện rõ vị thế của mảng chuyển phát nhanh với doanh thu cung cấp dịch vụ tăng trưởng 46% lên 1.711 tỷ đồng, chiếm 90% tổng doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm (1.904 tỷ đồng). Phần còn lại là doanh thu bán hàng (chủ yếu là bán bộ kit, thẻ cào) đã giảm mạnh 73% so với cùng kỳ năm trước xuống còn gần 193 tỷ đồng.

Nhờ đóng góp mạnh mẽ của mảng dịch vụ chuyển phát nhanh, báo cáo tài chính cũng ghi nhận lãi gộp của VTP đạt 223 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp gần 12%, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (8%).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VTP ghi nhận lợi nhuận sau thuế 117 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó năm 2017, VTP cũng đã có kết quả tích cực với doanh thu 4.031 tỷ đồng, tăng 36% và lợi nhuận sau thuế 217 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2016. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt mức cao với 3.940 đồng.

Tuy nhiên, khó có thể đánh giá sức bật cổ phiếu VTP sẽ giữ được bao lâu, bởi thông thường các doanh nghiệp mới chào sàn luôn được lực đẩy giá cổ phiếu từ phía nhà đầu tư hiện hữu hoặc tương lai với tốc độ nhanh, mạnh hơn bình thường. Và sau đó thị trường sẽ bình tĩnh hơn khi đã bước qua giai đoạn “chào đón”.
Một điểm khác, mặc dù thể hiện được vị thế ông lớn chuyển phát nhanh trên đường đua dịch vụ giao nhận, song giới quan sát vẫn đặt ra 2 dấu hỏi:

Thứ nhất, với cơ cấu cổ đông rất chặt (chỉ có 2 cổ đông lớn), VTP có lên sàn UPCoM cho “hợp thức hóa” tiến độ lên sàn, rồi sẽ nằm im như nhiều ông lớn khác?

Thứ hai, thị trường giao nhận đang được mọi ông lớn quốc tế nhòm ngó, liệu VTP có thể giữ vững mãi vị thế của một ngôi sao đầu ngành?

Chuyển phát nhanh thời số hóa

Logistics với dịch vụ chuyển phát nhanh đã, đang được xem là một trong những điều kiện cần và đủ để TMĐT phát triển tại Việt Nam. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, với tốc độ phát triển của TMĐT tăng đến 25%, logistics sẽ là câu chuyện đáng lo ngại, đặc biệt với doanh nghiệp ngành dịch vụ giao nhận Việt Nam, khi khả năng đáp ứng xu hướng phát triển tương lai đang phần lớn tập trung vào các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Với xu hướng phát triển TMĐT và kinh tế số như hiện tại, cùng với một nền kinh tế ngày càng mở rộng hơn về xuất nhập khẩu hàng hóa, các “ông lớn” hàng đầu quốc tế về giao nhận như Fedex, UPS hay TNT, DHL... đều đã và đang cắm rễ, lan tỏa trên thị trường. Ban đầu, các doanh nghiệp này hợp tác với các doanh nghiệp chuyển phát Việt Nam. Với tiềm lực tài chính và thương hiệu mạnh quốc tế, họ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường. Sau khi đã có đủ ưu thế, họ dần chiếm lĩnh thị phần và đang tính hướng tách khỏi mô hình liên doanh, hoạt động độc lập với 100% vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài giao nhận đa quốc gia với Việt Nam, có doanh nghiệp còn tranh thủ tham gia vào hoạt động chuyển phát nội địa tận nhà.

Ngoài các tên tuổi kể trên thì các doanh nghiệp logistics quy mô nhỏ, hay chính các đơn vị TMĐT lập Cty giao nhận riêng, như Lazada với Lazada Express đều có thể gắn với các đơn vị dịch vụ chuyển phát như VTP. Điều này vừa tạo cơ hội để các Cty này lớn mạnh lên, nhưng bạn đồng hành hôm nay cũng có thể trở thành đối thủ ngày mai. Đây là vấn đề VTP hay Vietnam Post đều cần phải tính.

Ngoài ra, rủi ro đối tác chủ hàng với các Cty giao nhận ít uy tín, có nguy cơ “sập tiệm” cao như nhiều trường hợp xảy ra vừa qua, cũng là một trong những tín hiệu cho thấy thị trường giao nhận đang trong giai đoạn phát triển mạnh, thời gian sẽ thanh lọc lại. Những doanh nghiệp như VTP sẽ luôn có nhiều cơ hội hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VTP: Phong độ hay đẳng cấp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO