Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Lấy cái sai để xử lý cái sai thì còn gì là giáo dục?

MINH TUẤN 30/05/2022 05:10

Bạo lực học đường là sai, nhưng cách hành xử của mẹ cháu bé không hề đúng.

>>Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, vì sao?

Bộ GD&ĐT vừa có công văn số 2217/BGDĐT – GDCTHSSV chỉ đạo xử lý vụ việc bạo lực trong học sinh của Trường quốc tế American Academy ở An Phú, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh ngày 26/5/2022 đang gây xôn xao dư luận, đề nghị có kết quả gửi về Bộ GDĐT trước ngày 31/5/2022. Động thái này chứng tỏ sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo đến vụ việc đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội.

Một số học sinh bị thương sau vụ xô xát. Ảnh: PHCC

Một số học sinh bị thương sau vụ xô xát. Ảnh: PHCC

Quan điểm của người viết, sau khi xem các trích đoạn video, thì cho rằng: Gia đình cháu đang lấy cái sai để xử lý cái sai.

“Của đau con xót”, ai làm cha mẹ chẳng xót xa khi con mình bầm dập, sứt sát… nhưng xét sự việc phải bằng sự công tâm. Hãy nhìn tượng nữ thần công lý, tay “cầm cân nảy mực” phải đảm bảo, công bằng, tay cầm thanh kiếm thể hiện quyền uy của công lý, luật pháp. Dải băng bịt mắt tượng trưng cho sự vô tư, khách quan. Khi phán xét, công lý không chịu ảnh hưởng của áp lực ngoại cảnh hay không chịu sự tác động, áp đặt từ bất kỳ thế lực nào.

Đất nước ta đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế, cái chúng ta cần từ mỗi người dân là ý thức thượng tôn pháp luật, giữ ổn định trật tự xã hội thì sự thịnh vượng mới có thể lâu dài. Xin đừng xem và nghe ý kiến một chiều trên mạng xã hội, sau đó tự cho mình quyền “thẩm phán online” rồi quy kết, kết tội người khác mà không sợ gì hệ lụy.

“Lời nói đọi máu”, các cụ ngày xưa dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để răn dạy cháu con cẩn trọng khi phát ngôn. Nếu dùng cảm tính vào hùa phá đi sự nghiêm minh của pháp luật, rồi đến khi chẳng may mình thành nạn nhân của vụ việc tương tự thì biết kêu ai?

Hình ảnh Thủy Bi trong buổi livestream chiều nay (28/5). Ảnh: Chụp màn hình

Hình ảnh chị phụ huynh trong buổi livestream chiều 28/5. Ảnh: Chụp màn hình

>>Khi nền tảng mạng xã hội “bất lực” trước các vụ bạo lực

Bạo lực học đường là sai, nhưng cách hành xử của mẹ cháu bé không hề đúng. Chị dùng mạng xã hội để tạo áp lực như là cần sự hỗ trợ bênh vực cho mẹ con chị. Chị bênh con là quyền của chị, nhưng chị xông vào trường đòi gặp con trẻ để can thiệp là sai.

Trẻ con cần được bảo vệ theo công ước của quyền trẻ em. Vụ việc của học sinh đánh nhau, xử lý, kết luận đúng sai là việc của nhà trường. Con chị đúng, không cần livestream vẫn có kết luận con chị đúng. Nhưng chị lôi người nhà làm ầm ĩ, luôn miệng hỏi xem bao nhiêu người xem, rồi chị vu khống kết luận về việc tuyển sinh của nhà trường là tuyển sinh đầu vào không chất lượng, rồi chị kể lể việc học phí cao…là chị đã sai rồi.

Có ai bắt ép chị cho con vào trường quốc tế học đâu. Đó là sự lựa chọn của chị. Thêm nữa nếu thực sự là “bắt nạt” và “bạo lực học đường” thì phải là có bốn học sinh chèn ép, xô xát với con chị. Chứ “bụt trên toà gà nào dám mổ mắt”, không làm điều gì sai trái, thì không ai dám động đến hoặc chống đối lại. Tuổi học trò mà một mình bắt nạt, đánh đập bốn bạn thì rất phi logic. 

Hình ảnh học sinh bị thương sau khi đánh nhau tại trường quốc tế American Academy tại TP Hồ Chí Minh được đăng tải trên mạng xã hội.

Hình ảnh học sinh bị thương sau khi đánh nhau tại trường quốc tế American Academy tại TP Hồ Chí Minh được đăng tải trên mạng xã hội.

Việc trẻ con xô xát tuy đáng tiếc nhưng hậu quả chưa quá lớn, hãy để chúng dưới sự tác động và định hướng của thầy cô, nhà trường hòa giải với nhau. Đừng để trẻ con làm mất lòng người lớn. Đó mới là giáo dục đích thực. Chị lôi kéo người đến trường ầm ĩ gây rối, lớn tiếng thách thức, bất hợp tác. Trình độ tiếng Anh của chị đủ giao tiếp đơn giản nhưng chị phớt lờ trước đề nghị lịch sự từ phía giáo viên.

Cách hành xử chợ búa, vô pháp, vô thiên của chị tiếc thay lại được một số người cổ vũ, ca ngợi dưới các mác rất đẹp đẽ “chống bạo lực học đường”. “Con vua tốt vua dấu, con tôi xấu tôi yêu”, con chị là vàng là bạc thì con người khác cũng vậy, nhà trường phải bảo vệ học sinh của mình không cho chị gặp học sinh, cũng như phụ huynh nào hết.

Hơn ai hết họ là người làm giáo dục, họ hiểu tâm lý người khi bị kích động, mất kiểm soát nếu để gặp mặt có thể xảy ra chuyện lớn hơn. Chưa kể có cả tiếng của người có tuổi mà cách hành xử lại không tương xứng với tuổi tác, khi lớn tiếng hô kích động bạo lực.

Dùng bạo lực để giải quyết bạo lực là con đường không lối thoát. Chị xông vào trường làm mất trật tự thì họ gọi công an là hoàn toàn đúng. Có thể chị phụ huynh này ảo tưởng vào sức mạnh của số người theo dõi, xem vụ việc cùng những lời bình luận, nút thích, nút tim có thể đóng khung niềm tin ảo của chị. Nhưng luật pháp với điều luật cụ thể, còng số 8, trại tạm giam thì có thật. Có nhiều tấm gương to lớn khi “ngáo” quyền lực “ảo” mà coi thường pháp luật thực sự rồi mà có vẻ chị chưa nhận ra.

Chị nghĩ chị bỏ số tiền ra cho con trường quốc tế thì con chị phải được bảo vệ như yếu nhân, được hưởng đặc quyền, đặc lợi. Đó là tâm lý cậy tiền cần xem xét lại.

Còn lấy cái sai để xử lý cái sai thì pháp luật đang đợi chị, “khôn ngoan đến cửa quan” mới biết. Mong chị sớm bình tĩnh, đừng vội vàng đưa thông tin cá nhân của các cháu liên quan lên mạng. Đừng livestream để thỏa mãn hiếu kỳ của số ít người. Hãy hợp tác với nhà trường để giải quyết vụ việc yên ả nhất như vẻ đẹp của tuổi học trò mà con chị đang có.

Có thể bạn quan tâm

  • Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, vì sao?

    01:00, 01/04/2022

  • Những hành động được xem là hành vi bạo lực gia đình

    12:27, 19/10/2021

  • Khi nền tảng mạng xã hội “bất lực” trước các vụ bạo lực

    07:10, 11/10/2019

  • “Vùng tối” của bạo lực gia đình

    12:01, 28/06/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Lấy cái sai để xử lý cái sai thì còn gì là giáo dục?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO