Liên quan tới phản ánh “văn bản hướng dẫn” trong việc mua sắm tập trung tại Bình Thuận đang có dấu hiệu hạn chế nhà thầu, một số ý kiến cho rằng, đây là chiêu trò “bổn cũ soạn lại” tại địa phương này…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin ở những bài viết trước, tại một số văn bản hướng dẫn gửi các đơn vị, sở, ngành của tỉnh Bình thuận trong việc mua sắm tập trung có nhiều “ghi chú chi tiết” mang tính chất chỉ định, khẳng định tính công nghệ của một hãng duy nhất khiến nhiều nhà thầu hoài nghi về sự thiếu minh bạch trong hoạt động đấu thầu tại địa phương này.
Cụ thể, tại các văn bản hướng dẫn số 128/STTTT-BCVT&CNTT, văn bản số 144/STTTT-BCVT&CNTT của Sở này đã ghi chú chi tiết như: đối với thiết bị máy tính xách tay, “pin: 48WHrs, 3S1P, 3-cell Li-ion…”, phần một số tính năng khác: “Xoay 180 độnhờ thiết kế Ergolift…”.
Tương tự phần hướng dẫn thông số kỹ thuật cấu hình của Ti vi, có một số ghi chú cụ thể như: “hệ điều hành: Tizen; Thiết kế: Bezel Type: 3 Bezel-les; Slim Type: Slim look; Front color: Titan Gray; Dạng chân đế: Quad poy; Stand Color: Titan Gray; Phần chứng chỉ: Business TV App (Android, IOS)…”.
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp về CNTT thì danh mục máy tính để bàn và laptop với những yêu cầu và thông số theo văn bản hướng dẫn đang vô hình chung nhằm vào hãng ASUS có xuất xứ Trung Quốc, thậm chí với loại Model: P2451FA – EK2727 có các tính năng, cấu hình khớp 100% đúng theo hướng dẫn Cấu hình/Thông số kỹ thuật tại văn bản hướng dẫn số 144 của Sở TT&TT.
Bên cạnh đó, đối với danh mục tivi, theo các chuyên gia, chỉ có hãng Sam Sung mới có thể đáp ứng được 100% các tính năng của sở TT&TT đưa ra tại văn bản hướng dẫn số 128. Cụ thể, đó là cấu hình của loại Business TV, mã sản phẩm LH65BEAHLGKXXV và mã LH55BEAHLGKXXV.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, nội dung này đang vi phạm tính cạnh tranh theo định hướng của Chính phủ nhằm tạo đa dạng sản phẩm tham gia, cạnh tranh các hãng; tạo sân chơi công bằng, lành mạnh trong việc đấu thầu mua sắm tập trung, nhằm tạo ra nhiều sự lựa chọn sản phẩm tốt cho đơn vị sử dụng và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, xét về mặt quản lý Nhà nước là sai với quy định, hướng dẫn của Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước.
Cần phải nói thêm, năm 2020, một trường hợp tương tự là gói thầu Mua sắm máy vi tính để bàn các loại theo phương thức tập trung do Trung tâm Mua tài sản công tỉnh Bình Thuận làm bên mời thầu từng bị hủy thầu và sau đó tiến hành mời thầu lại.
Cụ thể, gói thầu nêu trên thuộc Dự án từ nguồn kinh phí của các đơn vị đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung, có giá 6.232.600.000 đồng.
Trong lần mời thầu thứ nhất từ ngày 4 - 14/8/2020, đến thời điểm đóng thầu, có hai nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Theo báo cáo đánh giá của bên mời thầu, cả hai đơn vị dự thầu lần 1 đều không đáp ứng yêu cầu của của hồ sơ mời thầu. Cụ thể, một đơn vị không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm. Đơn vị còn lại không đạt về kỹ thuật. Về giá dự thầu, Công ty CP Phát triển công nghệ cao chào giá 4.970.741.000 đồng; Liên danh Công ty CP Nhịp cầu số - Công ty TNHH Tin học Quang Anh chào giá 6.201.700.000 đồng.
Ngày 18/9/2020, bên mời thầu có quyết định hủy thầu. Được biết, ngay sau quyết định này được công bố, một nhà thầu đã có văn bản kiến nghị lý do hủy thầu, tuy nhiên, bên mời thầu cho rằng, “không thuộc nội dung phải làm rõ”.
Ngày 21/9/2020, bên mời thầu có quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu lần 2 và tổ chức mời thầu lại gói thầu này.
Theo đó, ngày 2/10/2020, gói thầu nêu trên đã được mở thầu lần 2 trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo biên bản mở thầu lần 2, hai đơn vị tham gia đợt 2 chính là hai nhà thầu đã dự thầu tại lần mở thầu thứ nhất (bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu - PV). Giá dự thầu của Nhà thầu Phát triển công nghệ cao là 5.409.640.799 đồng, của Liên danh Nhịp cầu số - Tin học Quang Anh là 5.999.000.000 đồng. Như vậy, sau khi mời lại vẫn chỉ có hai nhà thầu cũ tham dự thầu. Được biết, mặc dù bỏ giá cao hơn, nhưng cuối cùng Liên danh Nhịp cầu số - Tin học Quang Anh vẫn là đơn vị trúng thầu.
Thông tin với các cơ quan báo chí vào thời điểm này, nhà thầu phản ánh, hồ sơ mời thầu có một số yêu cầu mang tính “định hướng” đến một hãng sản xuất máy tính. Đồng thời, yêu cầu có tính “khóa” đối với nhiều nhà thầu.
Cụ thể, hồ sơ mời thầu yêu cầu phải có chứng nhận: BSMI, UL, Energy Star, EPEAT, đây là những yêu cầu đối với sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời, yêu cầu về Màn hình (cùng thương hiệu với máy) phải có Công nghệ video thông minh SPLENDID; các chế độ SPLENDID cài đặt sẵn là những tính năng độc quyền của một hãng duy nhất.
Điều đáng chú ý, trong lần 1 (đã bị hủy thầu), báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu của bên mời thầu cũng khẳng định, kết quả đánh giá kỹ thuật được thực hiện trên cơ sở kết luận của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận.
“Riêng các tiêu chí của hồ sơ mời thầu này do Sở Thông tin và Truyền thông được UBND tỉnh Bình Thuận giao để xây dựng thông số kỹ thuật, cấu hình. Bên mời thầu giữ nguyên những thông số này để hoàn thiện hồ sơ mời thầu, tổ chức mua sắm”, đại diện bên mời thầu trả lời cơ quan báo chí.
Quay trở lại câu chuyện kế hoạch mua sắm tập trung tại tỉnh Bình Thuận năm 2021, một số nhà thầu đang vô cùng quan ngại cho rằng, liệu chăng “kịch bản” thầu năm 2020 có đang “bổn cũ soạn lại” (?).
Để đa chiều thông tin tới độc giả, cũng như mong muốn có một môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh trực tiếp những vấn đề trên tới đồng chí Lê Tuấn Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi!
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm